Những loại quả này vô cùng thân thuộc với người Việt song ít người hiểu hết công dụng của nó.
Mướp đắng
Khổ qua hay mướp đắng là loại quả không còn xa lạ với người Việt. Đây là loại trái cây nhiệt đới nổi tiếng với vị đắng điển hình. Bên cạnh việc chế biến thành món ăn hấp dẫn, bạn hoàn toàn có thể phơi khô pha thành nước giải khát. Việc sử dụng thường xuyên nước sắc từ loại quả này đem đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Ethnopharmacology, cho thấy những người uống 2 gram chiết xuất mướp đắng mỗi ngày trong 90 ngày, đã giảm chỉ số đường huyết HbA1c. Một nghiên cứu khác trên tạp chí nghiên cứu Egyptian Pharmaceutical Journal cũng đã cho thấy mướp đắng có thể được sử dụng như một loại thuốc uống hỗ trợ hạ đường huyết hiệu quả mà không có tác dụng phụ.
Với những mong muốn giảm cân, việc sử dụng nước sắc từ mướp đắng là lựa chọn đúng. Nước hãm từ quả mướp đắng chứa ít calo, chất béo và carbohydrate. Nó giúp bạn no lâu hơn và do đó, nó có thể dễ dàng phù hợp với kế hoạch giảm cân của bạn. Trong một báo cáo năm 2010 được công bố trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung BMC, đã tiết lộ rằng chất chiết xuất từ quả mướp đắng giúp loại bỏ các tế bào mỡ ở người và cũng cản trở sự hình thành và phát triển của các tế bào mỡ mới. Người ta còn kết luận rằng mướp đắng có thể được xem như một phương pháp tự nhiên để điều trị bệnh béo phì.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng, mướp đắng có thể bảo vệ gan, lá lách và dạ dày của người sử dụng. Đồng thời loại quả này có thể giúp giảm nguy cơ mắc 3 loại bệnh đó là huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường. Ngoài ra, uống nước ngâm mướp đắng khô cũng có tác dụng bổ thận, lợi tiểu.
Nhờ có chất chống oxy hóa mạnh cùng với vitamin A và C, mướp đắng sẽ giúp ngăn ngừa lão hóa da sớm và giảm nếp nhăn của người dùng.
Hơn nữa, nước chiết xuất từ mướp đắng còn làm giảm mụn trứng cá, hỗ trợ điều trị bệnh chàm và bệnh vẩy nến, cũng như bảo vệ da khỏi các tia UV có hại.
La hán
Quả la hán ( hay còn được gọi là la hán quản, giả khổ qua) có tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle, thuộc họ Bí. Trong Đông y loại quả này có vị ngọt, tính mát, không độc nên được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để chữa một số bệnh. Quả la hán không ăn tươi mà được dùng dưới dạng trái khô hoặc dạng bột để làm nước giải khát khá phổ biến.
Tờ Naturalnews bình chọn la hán là thực phẩm thay thế đường lành mạnh. Theo Healthline, quả la hán ngọt hơn đường mía 250 lần, nhưng lại không có calo. Theo đó, vị ngọt của la hán được tạo thành nhờ vào mogrosides nên không làm tăng lượng đường trong máu.
Khi sử dụng quả la hán, các tế bào tuyến tụy trong cơ thể sẽ tăng khả năng bài tiết insulin giúp điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả. Do đó, loại quả này còn thường được dùng để thay thế đường khi chế biến một số món ăn, thức uống của người bị tiểu đường.
Bên cạnh đó, loại quả này chứa hàm lượng calo tương đối thấp nên có lợi cho những người thích đồ ngọt mà không sợ béo phì, tiểu đường. Người dùng thường xuyên cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Chứa nhiều chất chống oxy hóa, quả la hán còn được mệnh danh là "trái cây trường thọ". Mogrosides với đặc tính chống oxy hóa trong loại quả này có khả năng ức chế sự sinh sôi của các khối u, ngăn chặn tế bào ung thư di căn nhờ vào cơ chế giảm lượng tổn thương DNA bởi các gốc tự do bằng cách tối ưu hóa các hệ thống chống oxy hóa trong cơ thể.
Các nghiên cứu được công bố trên Healthline gợi ý rằng quả la hán có thể chống lại nấm candida, một loại nấm men gây ra bệnh tưa miệng và các bệnh tiêu hóa.
Dẫu có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ, song những người bị cảm lạnh, nhiễm lạnh, phong hàn thì không nên sử dụng loại quả này. Bà bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng la hán. Bạn chỉ nên sử dụng 1-2 quả mỗi ngày. Do loại quả này có tính hàn và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nếu sử dụng thường xuyên, bạn sẽ gặp phải tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá.
Bí đao
Bí đao là loại quả quen thuộc trong bữa cơm của các gia đình Việt. Ngoài việc nấu thành món ngon, loại quả này còn có thể chế biến thành 1 loại nước uống thanh mát có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Chỉ số đường huyết của bí đao rất thấp (GI=15). Do đó các món ăn được làm từ bí đao như canh bí, cháo bí, nước ép bí đao đều có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Khi mùa hè nóng bức, người bệnh có thể sử dụng bí đao để thanh nhiệt, giải khát, thích hợp sử dụng cho những người hay bị mất nước, tiểu nhiều, háo khát.
Một nghiên cứu được tiến hành trên những con chuột bị bệnh tiểu đường cho thấy, nước bí đao non luộc có khả năng làm ổn định đường huyết. Cụ thể, những con chuột sau khi bị làm cho mắc bệnh sẽ được cho sử dụng bí đao non trong vòng 1 tháng với liều lượng 1g/con/ngày, kết hợp với việc uống nước nấu từ bí đao non để điều trị bệnh.
Kết quả cho thấy trong 20 ngày đầu sử dụng, hàm lượng đường huyết trong những con chuột này đã được giảm dần. Đến ngày thứ 30, chỉ số đường huyết của chúng đã gần đạt được đến mức bình thường (75 ±7mg/dl).
Gan là bộ phận rất dễ nhiễm mỡ và nhiễm độc tố. Khi gan yếu đi thì khả năng dự trữ khoáng chất cũng như vitamin bên trong cơ thể cũng suy giảm theo, vậy nên việc giải độc gan cần diễn ra đều đặn và phương pháp dùng trà bí đao để giảm độc tố trong gan xưa nay đã được nhiều người tin tưởng áp dụng.
Vì bí đao tính mát, ngọt dịu, do đó có công dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi tiểu,.. Những người bị gan nhiễm mỡ hay suy gan nên sử dụng trà bí đao thường xuyên để mang lại hiệu quả giải độc gan tốt nhất.
Ngoài ra, bí đao chứa hàm lượng vitamin B2 rất cao nên bổ sung loại thực phẩm này vào các bữa ăn hàng ngày giúp bạn giảm nguy cơ rối loạn mắt. Bên cạnh đó, các chất chống oxy hóa có trong bí đao còn có khả năng giảm stress, chống oxy hóa ở võng mạc và giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng.