Ăn những thực phẩm chứa dưỡng chất này có tác dụng chống viêm, bảo vệ da, phòng bệnh cúm...
Thực phẩm giàu omega-3 không thể thiếu vào mùa thu
Theo BS dinh dưỡng Vũ Đại Dương (làm việc tại TP.HCM), axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm, bảo vệ da, giảm đáng kể những ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe. Vào mùa thu, chúng càng cần được bổ sung thường xuyên, đều đặn.
Chuyên gia lý giải, vào mùa thu, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm thường tăng cao. Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 lúc này có khả năng cải thiện sức đề kháng của cơ thể, giúp bạn chống lại các bệnh truyền nhiễm hiệu quả.
Đây cũng là dưỡng chất có tác dụng chống viêm. Vào mùa thu, nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao. Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 sẽ giúp giảm triệu chứng viêm nhiễm mùa thu như viêm họng, viêm mũi dị ứng và viêm phổi...
Không những thế, omega-3 còn rất tốt cho sức khỏe tâm thần. Vào mùa thu, khi ánh nắng mặt trời giảm và tình hình thời tiết thay đổi, có thể bạn dễ bị trầm cảm hơn. Trong khi đó, một số nghiên cứu đã ghi nhận mối liên quan giữa việc tiêu thụ đủ omega-3 với việc giảm nguy cơ mắc trầm cảm. Nó cũng giúp bạn tập trung hơn và duy trì tâm lý tích cực trong mùa thu.
Ngoài ra, vào mùa thu, làn da không tránh khỏi tình trạng khô, mất nước do chuyển sang mùa hanh khô hơn. Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 lúc này có thể cải thiện độ đàn hồi của da và làm cho làn da mềm mịn hơn. Điều này đặc biệt có ích trong việc duy trì làn da khỏe mạnh trong mùa thu khô hanh.
Và nếu bạn đang lo lắng tình trạng tăng cân do chuyển sang mùa lạnh hơn thì omega-3 có thể hữu ích. Nguyên nhân bởi omega-3 có thể giúp kiểm soát cảm giác no và giảm cường độ cảm giác đói.
Để bổ sung thực phẩm giàu omega-3 vào chế độ ăn uống trong mùa thu, bạn có thể tìm đến cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt lanh, hạt óc chó. Bạn cũng có thể sử dụng thêm thực phẩm bổ sung omega-3 theo khuyến cáo của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.
Ngoài ra, giới chuyên gia khuyên nên làm những điều sau để sống khỏe mạnh vào mùa thu
1. Tiêm phòng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 0,5-1,5 tỷ người có thể mắc cúm, trong đó có 3-5 triệu trường hợp cúm nặng, khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Do đó, việc phòng ngừa cúm trở nên cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi bước vào mùa thu - đông, hệ miễn dịch thường suy yếu và nguy cơ mắc cúm tăng cao.
Các đối tượng như trẻ em, thanh thiếu niên nên xem xét việc tiêm phòng các loại vắc-xin như Tdap (uốn ván, bạch hầu, ho gà), HPV và viêm màng não. Thanh thiếu niên cần xem xét bảo vệ màng não, trong khi người trưởng thành khỏe mạnh nên xem xét tiêm vắc-xin Tdap. Ngoài ra, một số đối tượng có thể cần tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B hoặc phòng ngừa bệnh zona...
2. Kiểm tra và cập nhật tủ thuốc gia đình
Hãy kiểm tra ngày hết hạn của tất cả các loại thuốc trong tủ thuốc gia đình để sẵn sàng đối phó với cúm mùa thu - đông. Điều này rất quan trọng bởi khi thời tiết trở nên lạnh hơn, sức đề kháng của bạn trước các bệnh lây truyền có thể giảm đi. Có thể các loại thuốc bạn đã mua từ mùa trước sẽ không còn hiệu quả nữa, vì vậy hãy cập nhật chúng để bạn có sẵn khi cần.
3. Tham gia các hoạt động tăng cường sức khỏe
Dù bạn là người tập thể hình chuyên nghiệp hay không, đừng để thời tiết lạnh làm mất đi động lực của bạn. Hãy duy trì lịch trình tập thể dục hàng tuần với ít nhất 150 phút tập luyện cường độ trung bình (hoặc 75 phút tập luyện cường độ cao) để duy trì sức khỏe.
4. Hẹn gặp bác sĩ trước mùa đông
Mặc dù một số người cho rằng, những người trưởng thành khỏe mạnh không cần phải kiểm tra và làm xét nghiệm máu hàng năm nhưng trong thực tế, bạn không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào. Nó có thể cảnh báo vấn đề nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.
Do đó, bạn nên có một bác sĩ mà mình tin cậy để thăm khám dựa trên tình trạng sức khỏe riêng, nhằm duy trì cuộc sống khỏe mạnh.