Loại đồ uống đó chính là nước rau má, được biết đến như là “thảo dược trường thọ”, có tác dụng giải nhiệt rất tốt vào mùa hè.
Rau má là một loại rau được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền Trung Quốc và Indonesia. Chúng biết đến như là “thảo dược trường thọ”, loại cây này có nguồn gốc từ các vùng đất ngập nước ở Đông Nam Á.
Dù có ngoại hình vô cùng bé nhỏ nhưng rau má thực sự hữu ích với sức khỏe. Đầu tiên phải kể đến công dụng tăng cường trí nhớ. Một số nghiên cứu năm 2016 đã so sánh tác dụng của chiết xuất rau má và axit folic trong việc cải thiện khả năng nhận thức sau đột quỵ. Cả rau má và axit folic đều mang lại lợi ích như nhau cho những người tham gia, trong khi rau má hiệu quả hơn trong việc cải thiện trí nhớ.
Các nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất rau má có tác dụng tích cực đối với những con chuột mắc bệnh Alzheimer. Mặc dù nó có thể hứa hẹn trong việc điều trị bệnh Alzheimer ở động vật, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận tác dụng của nó đối với con người.
Một số nghiên cứu khác cho thấy rau má có thể có tác dụng thư giãn hoặc chống lo âu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rau má làm giảm hành vi gây lo lắng ở những con chuột bị thiếu ngủ trong 72 giờ. Mặc dù nghiên cứu này vẫn còn sơ bộ nhưng nó cho thấy một số hứa hẹn trong việc giảm căng thẳng và lo lắng.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam): Trong Đông y, rau má vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu. Sử dụng nước rau má vào mùa hè có thể đem lại tác dụng thanh nhiệt, điều trị bệnh rất hay:
1. Dùng nước rau má để giải khát mùa hè
Cách làm: Dùng rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa nước dừa xiêm, uống hỗn hợp này sẽ thấy tác dụng.
2. Dùng rau má trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt
Cách làm: Giã rau má lấy nước uống và xoa, đắp ngoài.
3. Dùng nước rau má để trị đau bụng dưới, chán ăn
Cách làm: Dùng 1 nắm rau má, đem sắc uống.
4. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, kém ăn, nổi mẩn ngứa
Cách làm: Chuẩn bị 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Đem đi giã, cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
5. Dùng nước rau má giải ngộ độc (nấm độc, thạch tín…)
Cách làm: Giã nát 250g rau má và 250g rau muống, hòa nước sôi, chắt lấy nước uống.
6. Trị ho, tiểu buốt, tiểu rắt
Cách làm: Lấy nắm rau má tươi. Đem đi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống.
Những điều cấm kỵ khi uống nước rau má vào mùa hè
1. Không nên lạm dụng uống quá nhiều nước rau má: Theo lương y Vũ Quốc Trung, nếu uống quá nhiều rau má có thể gây đầy bụng, tiêu chảy, tình trạng nghiêm trọng hơn với người có thân nhiệt thấp, hay bị lạnh bụng. Do đó mỗi ngày chỉ nên uống 1-2 cốc rau má mà thôi.
2. Vừa đi nắng về tuyệt đối không uống nước rau má vì loại rau này tính mát, cơ thể đang bốc hỏa mà uống ngay đồ lạnh mát có thể dẫn đến sốc nhiệt, gây đau đầu, buồn nôn thậm chí bất tỉnh. Do vậy sau khi đi nắng về mọi người nên nghỉ ngơi, thư giãn trước khi thưởng thức loại nước này.
3. Đang mang bầu thì không nên uống nước rau má vì tính lạnh của rau má có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, khả năng sảy thai cao.
4. Uống nước rau má khi đang sử dụng một số loại thuốc như thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm... có thể gây hại cho tình trạng sức khỏe của bạn. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống. Những người có đường tiêu hóa không tốt, sau khi uống nước rau má thì nên ăn thêm một vài lát gừng tươi.
5. Không nên cho đường vào nước rau má.