Những người tham gia ăn vào ban đêm có lượng đường trong máu tăng lên, làm giảm chức năng tế bào beta tuyến tụy, điều này ảnh hưởng đến khả năng xử lý đường của cơ thể.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Brigham & Women tại Boston (Mỹ), ăn đêm có thể dẫn đến tình trạng không dung nạp glucose, trong khi bữa ăn ban ngày có thể giúp điều chỉnh lượng glucose trong máu. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Advances.
Ăn đêm có thể gây ra sự sai lệch giữa đồng hồ sinh học trung tâm và ngoại vi của cơ thể. Đây là máy đo thời gian tự nhiên của cơ thể giúp điều chỉnh những thay đổi về thể chất, tinh thần và hành vi trong 24 giờ.
Đồng tác giả của nghiên cứu trên Frank A.J.L Scheer và cũng là Tiến sĩ tại bệnh viện Brigham cho biết: "Nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian của bữa ăn sẽ tác động đến khả năng dung nạp glucose và chức năng tế bào beta, có thể do sự lệch nhịp giữa đồng hồ sinh học trung tâm và nhịp sinh học nội sinh".
Không thể dung nạp glucose dẫn đến lượng glucose cao và là tiền thân của bệnh đái tháo đường type 2. Đây là tình trạng mà cơ thể ít có khả năng hấp thụ đường từ máu vào các mô. Bệnh tiểu đường loại 2 phổ biến ở những người làm ca đêm, những người thường ngủ vào ban ngày và ăn vào ban đêm.
Theo tiến sĩ Sarah L. Chellappa - đồng tác giả nghiên cứu, hiện đang làm việc tại Đại học Cologne ở Đức, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đây cho thấy mức độ tăng đường huyết ở cả những người làm việc không theo ca - những người làm việc vào ban đêm.
Nghiên cứu trên được thử nghiệm đối với 19 người tham gia trẻ khỏe mạnh. Những người này đã thức suốt trong 32 giờ trong một môi trường được kiểm soát cao như hạn chế ánh sáng, nơi họ giữ tư thế cơ thể liên tục, mỗi giờ ăn những món ăn nhẹ giống nhau và không có dấu hiệu về thời gian. Sau giai đoạn này, những người tham gia thực hiện lịch trình làm việc ban đêm mô phỏng và tuân theo một trong 2 lịch trình ăn uống: một nhóm ăn vào ban đêm để mô phỏng lịch trình điển hình của những người làm ca đêm, trong khi nhóm còn lại ăn vào ban ngày, do đó sắp xếp lịch ăn cho đúng với lịch trình của đồng hồ sinh học trung tâm.
Sau đó, những người tham gia thực hiện theo quy trình thứ hai, kéo dài 40 giờ liên tục để đánh giá tác động của thời gian dùng bữa ăn đối với nhịp sinh học nội sinh của họ.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ăn vào ban ngày, ngay cả ngủ không đúng giờ, vẫn duy trì sự liên kết sinh học bên trong và ngăn ngừa tình trạng không dung nạp glucose. Trong khi đó, những người tham gia ăn vào ban đêm có lượng đường trong máu tăng lên, làm giảm chức năng tế bào beta tuyến tụy, điều này ảnh hưởng đến khả năng xử lý đường của cơ thể.
Các tác giả lưu ý rằng cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để tìm ra những can thiệp thực tế nhằm thực hiện chế độ ăn ban ngày đối với những người làm việc theo ca.