Một người trung bình sản xuất bao nhiêu mồ hôi mỗi ngày? Tại sao một số người lại ra mồ hôi nhiều hơn người khác? Chất gì trong mồ hôi tạo ra cảm giác dính dính khó chịu trên da? Hãy cùng lắng nghe giới chuyên gia chia sẻ.
Tôi không biết bạn thế nào nhưng tôi không thể bước ra ngoài mà không khoác lên mình thương hiệu "nước mắt" độc quyền của bản thân. Tuyến mồ hôi của tôi liên tục hoạt động, mong chờ sự mát mẻ của khí hậu, sau khi khô, chúng lại khiến tôi chịu cảm giác dính như hàng ngàn tờ giấy note dính.
Dù nghe có vẻ khó chịu, mồ hôi đóng vai trò quan trọng. Nó giống như chất làm mát trong hệ thống xe hơi. Nhưng nếu không có nó, bạn có thể không khởi động được động cơ. Tương tự, nếu bạn không ra mồ hôi và để sự bay hơi giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức thoải mái, bạn sẽ không thể "lái" cơ thể vượt qua cơn hôn mê do nhiệt độ.
Nhưng tôi tự hỏi: Một người trung bình sản xuất bao nhiêu mồ hôi mỗi ngày? Tại sao một số người lại ra mồ hôi nhiều hơn người khác? Chất gì trong mồ hôi tạo ra cảm giác dính dính khó chịu trên da? Chúng ta có thực sự đào thải độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách ra mồ hôi không? Và với thời tiết này, chúng ta có nên tắm quá nhiều không?
Mỗi ngày chúng ta sản xuất bao nhiêu mồ hôi?
Theo BS.TS Kok Wai Leong (một chuyên gia tư vấn và bác sĩ da liễu tại StarMed Specialist Centre, Mỹ), điều này phụ thuộc vào mức độ hoạt động của bạn và môi trường bạn đang ở. Thông thường, một người khỏe mạnh cỡ trung bình sản xuất 500ml mồ hôi mỗi giờ khi thực hiện hoạt động cường độ thấp (như yoga hoặc đi bộ). Tốc độ này có thể tăng gấp đôi lên khoảng 1 lít mỗi giờ với các bài tập cường độ cao.
"Ở vận động viên và những người có cân nặng lớn hơn, tốc độ ra mồ hôi có thể đạt 2 lít mỗi giờ. Trong một ngày, tổng lượng mồ hôi có thể lên đến 10 lít, đặc biệt trong điều kiện nóng và ẩm", TS Kok nói.
Tại sao bạn đổ mồ hôi nhiều hơn những người khác?
Theo BS.TS Wang Ding Yuan (một chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Da liễu Quốc gia Mỹ), có nhiều yếu tố dẫn đến vấn đề này. Nói chung, những người có khối lượng cơ thể lớn hơn, thể chất tốt hơn và thích nghi tốt hơn với thời tiết nóng có xu hướng ra mồ hôi nhiều hơn. Tuổi tác cũng là một lý do; ví dụ, những người lớn tuổi thường ra mồ hôi ít hơn người trẻ.
"Ngoài ra, có thể có những lý do bệnh lý khiến ai đó ra mồ hôi bất thường ít hoặc nhiều hơn người khác", TS Wang nói.
Điều này có thể bao gồm việc sử dụng một số loại thuốc, mắc bệnh thần kinh, nghiện rượu, các rối loạn hệ thống khác ( vấn đề về tuyến giáp, suy tim hoặc bệnh Hodgkin) và các rối loạn di truyền hiếm gặp. Đôi khi, đơn giản là không có lý do gì cho việc ra mồ hôi quá mức, do cơ thể như vậy.
Đổ mồ hôi có giúp bạn thải độc tố không?
Mục đích chính của việc ra mồ hôi là để làm mát cơ thể bạn, không phải để giúp bạn giải độc. Mặc dù một lượng nhỏ chất thải trao đổi chất như ure và amoniac được đào thải qua mồ hôi nhưng thực tế, bạn thải độc nhiều hơn qua nước tiểu.
Ví dụ, một giọt mồ hôi chứa khoảng 99% nước cùng với 1% còn lại chứa ure, amoniac và các chất khác. Mặt khác, nước tiểu gồm có 95% nước, 2,5% ure và 2,5% các sản phẩm chất thải khác.
Theo TS Wang, nhiều người có quan niệm sai lầm có lẽ vì họ xem mồ hôi là "một dịch cơ thể có thể đào thải", giống như nước tiểu. "Sự phổ biến của các phòng xông hơi và lợi ích giả định 'đổ mồ hôi để giải độc', cùng với niềm tin phổ biến rằng việc ra mồ hôi là phương pháp để vượt qua cơn đau đầu sau khi uống rượu có thể dẫn đến quan niệm này", chuyên gia nhận định.
Thêm vào đó, TS Kok cho biết thêm, độc tố thường được loại bỏ bởi thận và gan - không phải bởi các tuyến mồ hôi.
Không sử dụng bất cứ sản phẩm khử mùi nào, tại sao vẫn có chất màu trắng đọng lại ở nách, thấm sang áo váy?
Bạn đang đổ mồ hôi với những thứ nhỏ nhặt theo đúng nghĩa đen. Đó là bởi vì mỗi giọt mồ hôi chứa một lượng nhỏ các khoáng chất khô thành các vết cặn trắng bạn thấy trên quần áo. Những khoáng chất này bao gồm kali, canxi và magie.
TS Wang ước tính rằng lượng của chúng có thể dao động từ 2 đến 8 mmol/L, 0,2 đến 2 mmol/L, 0,02 đến 0,4 mmol/L tương ứng.
Còn về việc tại sao mồ hôi của bạn có vị mặn, đó là vì natri clorua và nước là các thành phần chính. "Một số nghiên cứu cho thấy natri clorua với nồng độ từ 10 đến 90 mmol/L", TS Wang nói.
Đôi khi, những vết bẩn màu vàng có thể hình thành trên quần áo nhưng không hoàn toàn do mồ hôi gây ra. Đó có thể là do sự tương tác của mồ hôi với hóa chất trong sản phẩm chống mồ hôi hoặc do sự hiện diện của vi khuẩn khiến vải chuyển sang màu vàng. Ngoài ra, sự phai màu cũng có thể do tình trạng hiếm gặp gọi là chromhidrosis, một rối loạn khiến các tuyến mồ hôi sản xuất ra một hợp chất sắc tố.
Tại sao chúng ta cảm thấy dính sau khi mồ hôi khô?
Ngoài nước, các khoáng chất và chất thải có trong mồ hôi, dịch cơ thể này cũng "hòa trộn với các lipid hoặc dầu có mặt trên bề mặt da", TS Wang nói. Sau khi thành phần nước của mồ hôi bay hơi, các thành phần khác còn lại trên bề mặt da có lẽ chính là nguyên nhân gây cảm giác dính.
Tắc lỗ chân lông và mụn trứng cá đôi khi có thể xảy ra. Khi mồ hôi "trộn lẫn với các tế bào da chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến da trở nên nhờn, dính, dễ bị mụn và vết thâm", TS Kok giải thích.