Chế độ ăn và dinh dưỡng từ các thực phẩm, thói quen ăn uống hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tuổi thọ của nam giới. Tuy nhiên không phải ai cũng chú ý đến điều này.
Thói quen ăn uống thất thường, hay bỏ bữa
Nhiều người có thói quen bỏ bữa, không ăn đủ 3 bữa trong ngày do tính chất công việc bận rộn hoặc do nhu cầu giảm cân. Tuy nhiên việc bỏ bữa thường xuyên dẫn đến việc cơ thể không đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động cơ thể, tụt đường huyết, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, đau dạ dày, trào ngược dạ dày, tổn thương gan và túi mật…
Bỏ bữa còn dẫn đến việc nam giới ăn nhiều hơn vào các bữa sau, ăn quá muộn sát giờ ngủ gây mất kiểm soát cân nặng và đường huyết, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể và giấc ngủ.
Theo nghiên cứu của ĐH Karolinska Institutet (Thụy Điển), người có chế độ ăn uống thất thường, hay bỏ bữa có nguy cơ kháng insulin, dễ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường, khiến chứng béo phì trầm trọng hơn kéo theo huyết áp tăng và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Những người ăn uống thất thường có tỷ lệ mắc chứng béo bụng và mỡ máu cao gấp gần 2 lần so với những ăn uống đều đặn.
Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn được xử lý thành dạng đóng hộp, đông lạnh, nướng, sấy khô như mì ăn liền, bánh kẹo, xúc xích, đồ đông lạnh… ngon miệng và tiện lợi. Nam giới nên hạn chế ăn loại thực phẩm này vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe, nhất là khi nam giới ăn quá nhiều hoặc chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hầu hết thực phẩm chế biến sẵn thường có xu hướng chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, carb tinh chế, chất bảo quản, phụ gia ảnh hưởng đến gan, huyết áp, mỡ máu. Loại thực phẩm này cũng chứa nhiều calo hơn trong khi ít các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất hơn so với thực phẩm tươi sống làm tăng khả năng thừa cân, béo phì, đường huyết tăng vọt…
Một nghiên cứu trên 100.000 người trưởng thành phát hiện ra việc ăn nhiều hơn 10% thực phẩm chế biến có liên quan đến tăng 10% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và rối loạn mạch máu não. Nghiên cứu khác trên 20.000 người chỉ ra ăn hơn 4 khẩu phần thực phẩm chế biến hàng ngày có thể dẫn đến tăng nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân.
Thích uống nước chứa nhiều đường
Nước ngọt có ga, nước tăng lực, nước ép trái cây, nước uống thể thao, trà và cà phê pha sẵn… là đồ uống yêu thích của nhiều nam giới nhưng lại chứa nhiều đường, chất làm ngọt nhân tạo không tốt cho sức khỏe. Loại nước này nếu sử dụng quá thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2, béo phì, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, sâu răng, đột quỵ…
Lượng đường tiêu thụ mỗi ngày ở nam giới không nên quá 50g đường, ưu tiên nạp đường tự nhiên từ việc ăn trái cây nguyên quả, các loại rau, ngũ cốc, hạt. Thói quen đọc nhãn đồ uống trước khi sử dụng, lựa chọn không thêm đường vào đồ uống cũng giúp nam giới kiểm soát lượng đường nạp vào.
Ăn ít chất xơ
Nam giới nên ăn 31-38g chất xơ/ngày để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Nếu ăn quá ít chất xơ dẫn đến táo bón, tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, rối loạn tiêu hóa…
Nam giới nhanh thấy đói, tăng cân nhanh chóng, khó giảm cân, luôn cảm thấy đầy hơi, táo bón, đường huyết thất thường, cholesterol tăng, đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu chất xơ.
Các nguồn chất xơ bao gồm rau củ ( rau cải, súp lơ, mồng tơi, rau dền…), trái cây ( cam, bưởi, táo, kiwi…), các loại hạt và ngũ cốc ( gạo lứt, đậu phộng, hạnh nhân, hạt bí, đỗ xanh…). Thực phẩm giàu chất xơ cung cấp cả vitamin, chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể nam giới, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, tốt cho sức khỏe tim, gan, thận và làn da.