Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hơn 34 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường và 1/5 trong số đó không biết bản thân đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe này.
Bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 ở Mỹ. Trong 20 năm qua, số người được chẩn đoán mắc vấn đề sức khỏe này đã tăng gấp đôi. Ngay cả khi mắc bệnh tiểu đường, bạn có thể gặp không ít khó khăn trong việc phân biệt thông tin thật với những lời đồn đại gây nhầm lẫn.
Biết cách ngăn ngừa và điều trị là yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát bệnh tiểu đường. Dưới đây là tổng hợp một số lầm tưởng về bệnh tiểu đường nhiều người mắc phải và lời giải thích đến từ các chuyên gia.
Tiêu thụ nhiều đường gây ra bệnh tiểu đường
Trên thực tế, tiêu thụ đường không gây ra bệnh tiểu đường. Trái lại, thừa cân mới là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Do thực phẩm sở hữu đường có xu hướng bổ sung một lượng lớn calo, nhiều người lầm tưởng thói quen ăn nhiều đường sẽ gây ra bệnh tiểu đường. Matt Petersen, chuyên gia y khoa tại Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) cũng lưu ý, chất béo cung cấp calo gấp đôi so với đường.
Một nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ mắc vấn đề sức khỏe này là thịt đỏ. Christine Lee, chuyên gia y khoa tại Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Hoa Kỳ khuyên, mọi người nên tập trung vào những thực phẩm chứa đường tự nhiên khi thèm ăn ngọt.
Chỉ có thể mắc tiểu đường tuýp 1 khi còn nhỏ
Sara Pinney, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ nội tiết tại Bệnh viện Nhi Philadelphia đã chỉ ra, bệnh này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bao gồm những người trong độ tuổi thành niên. Trên thực tế, 5% người trưởng thành tại Mỹ bị chẩn đoán nhầm từ tiểu đường tuýp 1 thành tuýp 2.
Hai vấn đề sức khỏe này bắt nguồn từ nguyên nhân khác nhau. Với tiểu đường tuýp 1, cơ thể sẽ tấn công các tế bào beta của tuyến tụy, khiến chúng ngừng sản xuất insulin, loại hormone điều chỉnh glucose trong máu. Trong khi đó, theo bác sĩ Sara, tiểu đường tuýp 2 kích thích tuyến tụy tạo ra nhiều insulin, khiến cơ thể không còn phản ứng với chất này nữa. Để phân biệt hai tình trạng sức khỏe này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm các kháng thể nhất định trong máu.
Bổ sung insulin khi mắc tiểu đường tuýp 2 là điều thiết yếu
Hầu hết mọi người không cần bổ sung insulin khi mắc tiểu đường tuýp 2. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát vấn đề sức khỏe này thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc.
Tuy nhiên, nhu cầu insulin của cơ thể có thể thay đổi theo tuổi tác. Chuyên gia Matt cho biết, để duy trì lượng đường huyết ở mức lành mạnh, bạn có thể phải tiêm chất này. Đây là việc làm cần thiết nhằm kiểm soát bệnh khi chúng đã tiến triển.
Có thể tự biết bản thân mắc bệnh tiểu đường
Theo bác sĩ Sara, nhiều người có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới phát hiện ra bản thân mắc bệnh tiểu đường. Các dấu hiệu phổ biến nhất như đi tiểu nhiều lần và khát nước rất dễ bị bỏ qua. Vào thời điểm các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện và bạn phải đi khám, lượng đường trong máu có thể đã tăng cao trong một thời gian dài.
Trên thực tế, hiện nay có khoảng 24% người mắc bệnh tiểu đường không biết bản thân đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe này. Đây cũng là nguyên nhân khiến các chuyên gia y tế khuyên những người trên 45 tuổi, thừa cân hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường đi xét nghiệm A1C định kỳ.
Tập thể dục chỉ để giảm cân
Không chỉ góp phần duy trì cân nặng, tập thể dục còn làm tăng độ nhạy insulin, từ đó giúp giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên. Các nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã chỉ ra, bạn có thể cải thiện độ nhạy insulin lên đến 50% trong vòng 72 giờ sau khi đổ mồ hôi. Ngay cả khi không có hiệu quả kiểm soát cân nặng, tập thể dục còn giúp giảm A1C và khả năng mắc bệnh tiểu đường. Chuyên gia Matt giải thích, khi các tế bào trong cơ hoạt động, chúng có thể sử dụng glucose để làm năng lượng.