Theo Bộ Y tế, vào mùa lạnh, một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu...
Nguy cơ đột quỵ tim cao hơn vào mùa lạnh
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim. PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đột quỵ tim có thể xảy ra với bất kỳ độ tuổi và thời tiết nào trong năm.
Tuy nhiên, vào mùa lạnh nguy cơ đột quỵ tim cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi tăng thêm khoảng 7%. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm người khác.
PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh lý giải, vào những hôm trời lạnh cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt ( nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C) khiến tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, dễ khiến bệnh tim mạch trở nặng nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, nhiệt độ giảm có thể làm tăng nồng độ fibrinogen – loại protein chính liên quan đến hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Ngoài đột quỵ tim, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm xấu dễ gặp phải đột quỵ não mùa lạnh là vào rạng sáng hoặc nửa đêm.
Do đó, để giảm thiểu những rủi ro của đột quỵ vì tác động của thời tiết, khí hậu, chuyên gia ý tế khuyến cáo nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
Thiết lập khẩu phần ăn có dinh dưỡng. Gia tăng khẩu phần ăn có các loại rau củ quả, đậu, ngũ cốc tốt cho sức khỏe; chọn thịt trắng, hải sản, trứng để giúp bổ sung protein, hạn chế thịt đỏ; hạn chế đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn nhanh;
Hạn chế sử dụng các đồ uống có chứa nhiều đường; không nên dùng mỡ động vật để nấu nướng, chế biến thức ăn. Chẳng hạn như mỡ lợn đồng thời tránh ăn nhiều thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành; tăng cường uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành.
Vận động, tập thể dục đều đặn, người dân nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và 4 lần/ tuần để phòng tránh nguy cơ cao mắc tim mạch và đột quỵ mùa lạnh.
Giữ ấm cho bản thân: Nhiễm lạnh là yếu tố chính dẫn đến cao huyết áp làm cho mạch máu chịu áp lực và bị vỡ. Do đó, nên giữ ấm cho bản thân đặc biệt là những người cao tuổi trong thời tiết mùa đông.
Hút thuốc lá, uống rượu bia mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến đột quỵ mùa lạnh tăng cao. Trong đó, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nếu bạn duy trì lối sống khỏe, bỏ thuốc lá từ 2 - 5 năm thì nguy cơ đột quỵ ngang bằng với người chưa hút thuốc bao giờ.
Chuyên gia cũng khuyến cáo việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ là một trong các cách giúp ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh cũng như có biện pháp phòng ngừa với người có tiền sử đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra kế hoạch điều trị tối ưu để kiểm soát tình trạng của bệnh hiệu quả, an toàn.
Song song với tiêm vắc-xin đầy đủ, giữ ấm, người già tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, bổ sung vitamin C và các dưỡng chất khác, đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế vận động mạnh để tránh ra nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước.
Tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng khi đốt than
Thời tiết chuyển lạnh, nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ mới sinh. Do sưởi ấm trong phòng kín nên nguy cơ nhiễm độc khí CO (Dioxide Carbon) rất cao.
Trong khuyến cáo mới đây, Bộ Y tế vừa đề nghị các Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe; cảnh báo để nguời dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do suởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, ngạt khí CO trong quá trình đốt bếp than diễn ra rất từ từ, nạn nhân thường chìm vào giấc ngủ mà không biết là mình rơi vào tình trạng nguy hiểm, có thể mất mạng ngay sau đó.
Khí CO, CO2 sẽ dần dần chiếm trọn không gian, rút hết khí oxy khỏi không khí, khiến chúng ta không có khí oxy để thở, dẫn đến tử vong.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, điều đáng nói là khí CO, CO2 không có mùi vị, không gây đau đớn, do đó người bị ngạt khí không có phản ứng tự vệ, may mắn thì được người khác trông thấy và kéo ra cứu sống.
Trong trường hợp được kéo ra ngoài, chữa khỏi ngạt khí CO, CO2, bạn vẫn có khả năng bị tổn thương não, dễ mắc các chứng bệnh giảm trí nhớ, liệt cơ mặt, liệt vận động…
Vì thế, nếu sử dụng than củi để sưởi ấm, cần chú ý để tránh bỏng, nhất là với trẻ em hiếu động chạy nhảy chơi đùa rất dễ ngã vào chậu than. Không để than dưới gầm giường, gần những nơi dễ bắt lửa như gỗ, quần áo. Tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng khi đốt than.
Không để quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi gần người già, trẻ em
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cảnh báo, mùa đông, nhiều gia đình dùng các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi, chăn đệm sưởi…). Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, giật, bỏng nếu không dùng đúng cách.
Các thiết bị sưởi điện cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng. Đã từng có trường hợp cụ già bị bỏng chân vì đặt máy sưởi quá gần, trời rét buốt, người già chân lạnh cóng, gần như mất cảm giác không biết da bị nóng rực, gây bỏng.
Chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần biết nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí.
Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc thì độ ẩm trong không khí càng thiếu. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra.
Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do da còn mỏng nên sẽ bị căng, rát, rất khó chịu. Nếu sử dụng lâu trong điều kiện phòng chật, đóng kín cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, làm viêm niêm mạc mũi, khô mũi và dễ dẫn tới chảy máu cam. Ngoài ra tia hồng ngoại từ các thiết bị sưởi có thể xiên vào cơ thể gây hại cho mắt, gáy, vùng đầu mặt cổ….
Để khắc phục tình trạng khô da, khi bật các thiết bị sưởi nên để chậu nước tạo độ ẩm cho không khí. Ngoài ra mọi người nên bôi kem giữ ẩm ban đêm, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già.
Các chuyên gia cảnh báo,tình trạng bị bỏng do quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi cũng dễ xảy ra. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già; luôn phải có người bên cạnh trẻ, tránh để trẻ sờ vào gây bỏng.
Đặc biệt để an toàn không bị điện giật khi sử dụng chăn điện, người sử dụng cần bật điện trước, khi chăn ấm thì tắt điện rồi mới dùng đắp, tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật.
Không nên để nhiệt độ điều hòa, máy sưởi quá nóng trong những ngày rét đậm
Cũng theo chuyên gia, khi sử dụng các thiết bị như điều hòa, máy sưởi trong những ngày rét đậm, chúng ta không nên để nhiệt độ quá nóng. Việc chênh lệch nhiệt độ ngoài trời quá nhiều có thể khiến cơ thể bạn bị hạ thân nhiệt khi đột ngột bước ra ngoài trời lạnh. Khi gặp nhiệt độ xuống thấp, máu bị ảnh hưởng và đi qua vùng đồi thị sau não, các trung tâm giao cảm ở đó bị kích thích khiến mạch máu ngoại biên co lại.
Nhiều người có thói quen thấy trời trở lạnh là đóng kín cửa phòng hoặc cửa nhà, càng kín càng tốt để giữ ấm. Tuy nhiên nếu chúng ta đóng kín sẽ khiến trong phòng không có sự thông thoáng, ngột ngạt, thiếu oxy, sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy chúng ta cần đảm bảo nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp nhiệt độ phòng thích hợp khoảng 28 độ C, thông thoáng, tránh gió lùa.
Khi chúng ta đang ngồi trong phòng trước khi đi ra ngoài vào mùa đông chúng ta nên mặc áo khoác và đi giầy trước mấy phút khi ra ngoài đường sẽ giúp cơ thể ấm hơn.
Vì nếu trường hợp chúng ta không mặc đủ ấm đột ngột đi ra ngoài rất dễ bị sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ nhất là những người có sức khỏe yếu đặc biệt người già và trẻ nhỏ. Việc chênh lệch nóng – lạnh quá lớn dễ gây ra các bệnh về hô hấp, thậm chí là sốc nhiệt, nguy cơ tai biến đối với người cao tuổi.
Ngoài ra, bạn nên tăng cường ăn thực phẩm giàu năng lượng, chất dinh dưỡng, chất béo, protein. Nên uống nhiều canh nóng, trà nóng hoặc nước gừng để ủ ấm cơ thể. Không nên ra ngoài trời khi quá sớm hoặc quá muộn, chú ý giữ ấm nhà cửa, luôn đóng cửa để tránh gió lùa nhưng cần phải hé cửa khi cần để lưu thông khí trong trường hợp dùng máy sưởi./.