Bệnh tiểu đường vốn có nhiều dấu hiệu, nhưng rõ nhất vẫn là 4 biểu hiện này thường xảy ra mỗi sáng.
Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc tiểu đường đang ngày một tăng mạnh. Nguy hiểm nhất là nó dần trẻ hóa và gây nhiều biến chứng với hệ thần kinh. Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người ( trong độ tuổi 20-79) mắc bệnh tiểu đường, đồng nghĩa cứ 10 người sẽ có 1 người mắc bệnh.
Các chuyên gia cho biết, vấn đề đáng lo ngại nhất là có khoảng nửa số bệnh nhân tiểu đường không hề biết mình mắc bệnh. Nếu không đi khám sớm, bệnh sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan và gia tăng các bệnh lý về tim mạch, thậm chí gây tử vong sớm.
Chính vì vậy, việc nhận biết, phát hiện sớm dấu hiệu tiểu đường là cần thiết để ngừa bệnh và nâng cao khả năng chữa trị. Theo BM Makkar – bác sĩ chuyên khoa tiểu đường tại Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường (Ấn Độ), giai đoạn đầu của loại bệnh này thường có 4 thay đổi mỗi sáng, đó là lúc để chúng ta phát hiện sớm dấu hiệu bệnh tiểu đường.
4 dấu hiệu vào buổi sáng cảnh báo bệnh tiểu đường
- Đau đầu dai dẳng
Người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường loại 2, thường bị thay đổi mức đường huyết vào ban đêm, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe trong buổi sáng.
Khi mức đường huyết giảm quá thấp trong đêm, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giải phóng hormone để cân bằng lại đường huyết, khiến nó tăng rất mạnh vào buổi sáng. Sự thay đổi này có thể dẫn đến đau đầu và chóng mặt.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường thường hay bị mất ngủ vào mỗi đêm, khiến buổi sáng thức dậy mệt mỏi và đau đầu. Vậy nên nếu hay bị đau đầu khi vừa thức dậy, hãy cảnh giác và đến bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời.
- Khát nước và khô miệng quá mức
Nếu bạn thường xuyên bị khô miệng, hoặc cảm thấy rất khát nước ngay sau khi thức dậy… Hãy cẩn thận vì đây có thể là dấu hiệu lượng đường trong máu tăng cao, dễ dẫn đến bệnh tiểu đường nếu không điều trị sớm. Bác sĩ Makkar chia sẻ, lúc này lượng đường trong máu tăng cao làm chậm quá trình sản xuất nước bọt.
Bên cạnh khô miệng, các dấu hiệu cảnh báo tiểu đường thường xuất hiện mỗi sáng là đau miệng, môi khô nứt nẻ, nhiễm trùng, khô lưỡi, khó nuốt, khó nhai, loét khoang miệng… Dù lý do là gì thì việc khát nước quá mức mỗi sáng cũng là dấu hiệu bệnh, hãy đi kiểm tra để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất.
- Mắt mờ
Sau khi thức dậy là lúc mà cơ thể cảm thấy minh mẫn, khỏe mạnh nhất do đã trải qua một đêm dài nghỉ ngơi. Tuy nhiên nếu thấy mắt mờ, nhìn không rõ thì phải cẩn thận bệnh tiểu đường. Bác sĩ Makkar khẳng định, nguyên nhân do lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể bị sưng, gây suy giảm khả năng nhìn của bạn.
"Tình trạng mắt mờ, khó nhìn vào buổi sáng thường là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu đang tăng cao. Thế nhưng khi lượng đường trong máu ổn định, thị lực sẽ trở lại bình thường ngay lập tức. Bệnh tiểu đường có thể gây bệnh võng mạc, phù hoàng điểm, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp nếu không đi khám sớm" – Makkar chia sẻ.
- Buồn nôn
Một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường là nhiễm toan ceton – tình trạng xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh ra quá nhiều axit trong máu. Dấu hiệu đầu tiên của loại bệnh này là khiến người mắc phải thấy buồn nôn, khát nước, khô miệng… vào mỗi sáng hoặc cả ngày dài.
Trong nhiều trường hợp, tình trạng buồn nôn chỉ là cảm giác thoáng qua và sẽ hết sau vài phút. Tuy nhiên nếu buồn nôn đi kèm với các triệu chứng khác, bạn phải cảnh giác với bệnh tiểu đường và đi kiểm tra lượng đường trong máu ngay. Càng được chẩn đoán sớm thì khả năng ngăn ngừa bệnh càng cao.
Làm sao để phòng ngừa bệnh tiểu đường?
Phòng ngừa bệnh tiểu đường là việc vô cùng quan trọng, bởi trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều yếu tố là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Theo các chuyên gia, sau đây là một số điều bạn cần làm để ngăn chặn bệnh tiểu đường phát triển:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nếu phát hiện bản thân có đường huyết cao, bạn nên học cách điều tiết chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn tinh bột và đồ ngọt để đưa lượng đường trong máu về bình thường. Có như vậy thì mới dễ dàng kiểm soát bệnh và ngăn chặn những biến chứng khác.
- Uống nhiều nước: Khi đường huyết tăng cao sẽ dễ làm bạn đi tiểu nhiều lần, dẫn đến môi khô miệng rát vì thiếu nước. Vì vậy, uống nhiều nước vào thời điểm này có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu nước, giảm khó chịu cho cơ thể và ổn định lượng đường trong máu.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động sẽ giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng vừa phải, đồng thời làm tăng độ nhạy insulin. Khi đó các tế bào sẽ sử dụng lượng đường có sẵn trong máu một cách tốt hơn, không còn bị tích tụ lại trong cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời.