Uống 8 cốc nước (2 lít) mỗi ngày là lời khuyên phổ biến trong nhiều thập kỷ qua, nhưng thực tế lượng nước cần đối với từng đối tượng sẽ khác nhau.
Nước rất quan trọng để những bộ phận trong cơ thể thực hiện chức năng của mình. Vì vậy, nếu không uống đủ nước, bạn sẽ bị mất nước.
Uống 8 cốc (2 lít) nước mỗi ngày là lời khuyên phổ biến trong nhiều thập kỷ qua, nhưng thực tế lượng nước cần đối với từng đối tượng sẽ khác nhau.
Bạn nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Uống đủ nước rất quan trọng vì trong quá trình hoạt động trong suốt một ngày, cơ thể bạn sẽ mất nước qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu.
Một số chuyên gia thể dục đã đưa ra một cách tính đơn giản mà bạn có thể sử dụng để tính xem mình cần uống bao nhiêu nước. Theo đó, chỉ cần chia đôi trọng lượng cơ thể bạn và kết quả của phép tính này chính là lượng nước bạn cần uống mỗi ngày. Ví dụ, nếu bạn nặng 68kg, điều đó có nghĩa là bạn nên uống 3,4 lít nước.
Theo khuyến nghị chính thức từ Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ (NASEM), bạn nên uống không chỉ đủ lượng nước mà còn là lượng chất lỏng mỗi ngày.
Theo NASEM, nam giới nên uống khoảng 3,7l chất lỏng mỗi ngày, trong khi phụ nữ cần khoảng 2,7l. Những chất lỏng này có thể là nước, đồ uống khác như trà và cà phê, hoặc từ thức ăn.
Bổ sung đủ nước trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn
Theo quy tắc chung, phần lớn cơ thể chúng ta nhận được 80% chất lỏng từ đồ uống và 20% từ thực phẩm. Để có thể nhận được khoảng 3l chất lỏng từ chế độ ăn uống của mình, bạn có thể hình thành thói quen như:
Vào buổi sáng: Uống 2 cốc nước 240ml và 1 hoặc 2 cốc cà phê (120ml/cốc). Thêm vào đó là một số loại thực phẩm chứa nhiều nước cho bữa sáng như mâm xôi đen chứa 88% nước, sữa chua cũng chứa 88% nước.
Vào buổi chiều: Uống 2 cốc nước 240ml và 2 cốc trà cùng dung tích. Bạn cũng nên dùng các loại thực phẩm chứa nhiều nước vào bữa trưa như xà lách romaine, súp làm từ nước dùng và dưa chuột.
Vào buổi tối: Với bữa tối, hãy uống 2 cốc nước 240ml.
Một số người có thể cần uống nhiều nước hơn người khác
Đối với những người trưởng thành khỏe mạnh, uống khi khát là cách để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Tất nhiên, có những yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến mức độ cơ thể bạn giữ nước trong suốt cả ngày. Ví dụ, nếu bạn dùng một lượng lớn muối, đường hoặc đồ uống có cồn, cơ thể bạn sẽ nhanh mất nước hơn - ngay cả khi bạn đã uống đủ lượng nước cần thiết.
Vận động viên cũng là đối tượng cần nhiều nước hơn, vì khi tình trạng mất nước nhẹ xảy ra trước khi cảm thấy khát, có thể làm giảm sức bền và động lực của họ.
3 nhóm đối tượng khác có thể gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là người già, phụ nữ mang thai và người mới làm mẹ.
Giáo sư Brenda M. Davy- chuyên gia dinh dưỡng tại đại học Virginia Tech của Mỹ cho biết: "Khi chúng ta già đi, độ nhạy bén trong việc phát hiện được những cơn khát giảm xuống, khiến người lớn tuổi dễ bị mất nước hơn".
Trong trường hợp này, những người trên 65 tuổi được khuyến nghị uống nước ngay cả khi họ không cảm thấy khát.
Đối với phụ nữ mang thai, họ cũng cần uống thêm chất lỏng để cung cấp đủ nước cho cả mẹ và em bé. Mất nước khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng như dị tật bẩm sinh hoặc sinh non.
Đối với phụ nữ đang cho con bú, cần uống thêm một cốc nước sau khi cho con bú để bổ sung lượng chất lỏng đã mất.
Làm thế nào để biết cơ thể mình có bị mất nước hay không?
Ngoài việc khiến bạn cảm thấy tồi tệ, mất nước có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo thời gian, nó có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và táo bón, đó là lý do tại sao bạn cần phải nhận biết được khi nào bạn bị mất nước.
Các triệu chứng mất nước ở trẻ em và người lớn là khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu miệng và lưỡi của bé khô, khóc không ra nước mắt, hay nếu em bé đi vệ sinh từ 3 tiếng trở lên, đây cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước.
Đối với người lớn, ngoài cảm giác khát, người lớn bị mất nước có thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc bối rối. Tuy nhiên, cách dễ nhất để biết liệu cơ thể mình có bị mất nước hay không là kiểm tra màu sắc của nước tiểu.
Theo giáo sư Davy, nếu nước tiểu không có màu vàng nhạt, thì có nghĩa là bạn cần bổ sung nước.