Khi kết hợp hai thực phẩm này, bạn có thể nhận được lợi ích sức khỏe đáng kể.
Gừng là loại gia vị phổ biến trong nhà bếp của nhiều gia đình. Nó có thể được thêm vào nhiều món ăn khác nhau vừa để tăng hương vị món ăn vừa đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe.
Theo Đông y, thịt gừng có vị hơi hăng và tính ấm với tác dụng làm ra mồ hôi, giải cảm, trừ nôn khử trùng. Trong khi đó, vỏ gừng lại có vị cay nồng, tính mát với tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng. Ngoài ra, tùy theo hình thức sử dụng, gừng còn có nhiều công dụng khác nhau.
Bên cạnh việc thêm gừng vào các món ăn, bạn có thể kết hợp gừng với một loại trái cây để được bài thuốc cổ truyền tuyệt vời với nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể.
Đó là Gừng kết hợp với táo đỏ
Gừng được biết đến là một loại gia vị có tính nóng, có khả năng kích thích tiêu hóa, giảm buồn nôn và chống viêm. Nó cũng chứa gingerol, một hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Gừng giúp làm dịu hệ tiêu hóa, giảm triệu chứng khó tiêu và hỗ trợ điều trị cảm lạnh, ho, hạ sốt.
Trong khi đó, táo đỏ là một loại trái cây phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc. Táo đỏ giàu vitamin C, có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe của da và thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe. Táo đỏ cũng chứa chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và giảm cholesterol trong máu.
Gừng kết hợp với táo đỏ đem lại những lợi ích sức khỏe nào?
Khi kết hợp gừng và táo đỏ, bạn có thể nhận được lợi ích từ cả hai thực phẩm này, như sau:
1. Hỗ trợ tiêu hóa: Gừng có tác dụng kích thích tiêu hóa, trong khi đó, táo đỏ giúp cung cấp chất xơ và làm dịu đường ruột. Điều này có nghĩa là khi dùng chung có thể giúp giảm đau bụng, chướng bụng và táo bón.
2. Tăng cường miễn dịch: Sự kết hợp các vitamin và khoáng chất từ gừng, táo đỏ có thể giúp cơ thể chống lại cảm lạnh cùng các bệnh nhiễm trùng.
3. Giảm stress và cải thiện giấc ngủ: Táo đỏ được cho là có tác dụng an thần, kết hợp với gừng có thể giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện giấc ngủ.
4. Chống oxy hóa và chống viêm: Cả gừng và táo đỏ đều có tác dụng chống viêm, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường.
5. Tăng cường dương khí: Y học cổ truyền Trung Quốc tin rằng "dương khí là áo giáp bên ngoài bảo vệ cơ thể con người trước cái lạnh và nhiều thứ khác". Khi nhiệt độ giảm, cơ thể "gửi" thêm năng lượng dương ( dương khí) từ bên trong ra ngoài để chống lại cái lạnh. Khi năng lượng dương dữ trữ của cơ thể không đủ, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm lạnh và mắc bệnh. Uống trà gừng, táo đỏ có thể bổ sung dương khí cho lá lách và dạ dày kịp thời. Khi lá lách và dạ dày tràn đầy năng lượng dương, con người sẽ tự nhiên ấm áp và thoải mái.
Cách làm trà gừng, táo đỏ:
Nguyên liệu: 2-3 trái táo đỏ, 5-10 lát gừng.
Cách làm: Sau khi đun cùng lúc 2 thứ với khoảng 300ml nước là có thể dùng. Gừng cả vỏ là vị thuốc lợi tiểu, vì vậy không nên gọt vỏ.
Hai dược liệu này là một sự kết hợp hoàn hảo, dùng cùng một lúc có thể đạt được hiệu quả bổ khí, tránh tắc nghẽn trong cơ thể.
Lưu ý:
Nếu bạn bị loét dạ dày hoặc rối loạn chảy máu, không nên uống trà gừng, táo đỏ hoặc là dùng quá nhiều gừng. Không ăn gừng bị hỏng vì nó rất dễ chứa một chất hữu cơ rất độc là safole, có thể làm thoái hóa tế bào gan và gây ung thư.
Tốt nhất nên ăn gừng vào buổi sáng và buổi trưa, tránh ăn buổi tối. Nếu không quen với vị cay của gừng có thể cho ít gừng hơn, thêm chà là đỏ hoặc đường nâu vào trà cho vừa ăn.
Những người hay bị viêm phổi, lao phổi, viêm loét dạ dày, viêm túi mật, viện thận bể thận, đái tháo đường, trĩ, mụn nhọt, đinh nhiệt xuất hiện vào mùa hè thì không nên dùng gừng lâu dài.