Chuột rút à hiện tượng thường gặp trong quá trình vận động, gây cảm giác đau cứng cơ. Vậy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là gì?
Vận động mạnh hoặc quá sức
Biểu hiện chuột rút thường liên quan đến việc sử dụng các cơ quá sức, dẫn đến cơ bắp mệt mỏi. Chẳng hạn như trong thể thao hoặc vận động thể lực quá sức với những động tác không luyện tập thường xuyên.
Ở nguyên nhân này, chuột rút có thể xảy ra trong quá trình vận động hoặc xảy ra sau đó, đôi khi là nhiều giờ sau đó.
Mất nước và mất cân bằng điện giải
Mất nước là một trong những nguyên nhân điển hình của chứng chuột rút ở chân. Mất nước và cân bằng điện giải sẽ làm cho các đầu dây thần kinh trở nên nhạy cảm, dẫn đến kích hoạt các cơn co và làm tăng áp lực lên các đầu dây thần kinh vận động.
Khi tập thể dục hay vận động mạnh hoặc phơi nắng lâu, sẽ khiến bạn mất nhiều nước và chất điện giải do mồ hôi. Nếu không kịp bổ sung thì sẽ rất dễ bị chuột rút.
Bên cạnh đó, một vài trường hợp thiếu nước do uống quá ít nước hoặc dùng các thuốc lợi tiểu sẽ gây ra chứng chuột rút vào ban đêm.
Các tế bào thần kinh hoạt hóa trong cơ thể
Thiếu canxi và hàm lượng magie thấp làm tăng hoạt động của mô thần kinh cũng chính là nguyên nhân gây hiện tượng chuột rút.
Ví dụ, thiếu hụt canxi trong máu không chỉ gây ra sự co thắt của cơ bắp tay, cơ cổ tay, mà nó còn có thể gây ra cảm giác tê liệt và ngứa ran xung quanh miệng và các vùng khác.
Ngồi hoặc đứng quá lâu
Cơ bắp được tạo ra để di chuyển, co bóp và nghỉ ngơi. Vì vậy khi ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu sẽ gây ra mỏi cơ và dẫn đến chuột rút.
Nếu bạn là người hay bị chuột rút ở chân khi đứng, hãy ngồi xuống trước khi cơ bắp của bạn cảm thấy quá mệt mỏi và ngược lại, nếu bị chuột rút do ngồi trong thời gian dài, hãy cố gắng dành ít nhất vài phút để đi lại.
Sự lão hóa cơ, hệ thần kinh hay hệ mạch
Ở những người già, hệ thần kinh và các cơ bị lão hóa có thể là nguyên nhân chuột rút. Vì vậy việc bổ sung thêm canxi, magie, kali là rất cần thiết để khắc phục hiện tượng chuột rút và cho xương chắc khỏe.