Khô đau mũi mùa lạnh là vấn đề hô hấp thường gặp. Nếu không xử lý đúng cách có thể khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, thậm chí chảy máu mũi.
Khô đau mũi mùa lạnh xảy ra do nhiều người có lớp niêm mạc mũi mỏng, khi tiếp xúc với không khí lạnh khiến lớp niêm mạc mũi bị khô, co lại gây ngứa mũi, hắt xì thậm chí là chảy máu mũi. Ngoài ra, việc không chú ý bổ sung nước đúng cách cho cơ thể cũng có thể khiến niêm mạc mũi khô và đau.
Làm cách nào để giảm cơn khô đau mũi mùa lạnh nhanh nhất?
1. Massage, xông hơi nước (steam therapy) hoặc khô
Ngoài tác dụng chăm sóc dưỡng ẩm da mặt thì xông hơi cũng giúp dịu đi chứng khô mũi. Bạn có thể chuẩn bị một chậu nước nóng (hoặc bát nhỏ), sau đó che kín cả đầu bằng khăn cotton mềm và từ từ hít hơi nước khoảng 10 phút.
Đơn giản hơn nữa là tắm bằng nước ấm trong phòng kín, tận dụng hơi nước bốc lên, mũi cũng có thể giảm đi các triệu chứng ngứa, khô khó chịu.
Ngoài ra, xông hơi cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch đáng kể. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Vật lý trị liệu thuộc Đại học Loma Linda, CA, Hoa Kỳ cho biết, xông hơi nước ở người lớn tuổi giúp cải thiện lưu thông và tuần hoàn máu ở tứ chi cũng như giảm huyết áp và giúp trái tim khỏe mạnh hơn, đồng thời cũng có thể thúc đẩy quá trình chữa lành các tế bào da bị tổn thương.
2. Sử dụng thuốc xịt mũi
Một số loại thuốc xịt mũi chuyên dụng có thể được sử dụng nhằm làm ẩm mũi và giảm nghẹt mũi, chẳng hạn như nước muối biển, nước mũi sinh lý.
Bên cạnh đó, đừng quên rửa mũi hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh mũi để hỗ trợ và tăng cường sức khỏe của niêm mạc mũi.
Tiêu chuẩn của dung dịch vệ sinh mũi là phải đạt tiêu chuẩn vô khuẩn và đẳng trương với huyết tương (dung dịch NaCl 0,9% hay còn gọi là nước muối sinh lý).
Các loại nước rửa mũi hiện nay có trên thị trường là dung dịch NaCl 0,9% và nước biển sâu tự nhiên đã khử bớt NaCl. Điều này là bởi vì nước biển tự nhiên có hàm lượng NaCl cao hơn 0,9% không phù hợp để dùng làm nước rửa mũi. Các loại này được chứa trong bình xịt có đầu phun tia nhỏ hoặc phun sương để dễ dàng tạo hạt nhỏ đi sâu vào hốc mũi.
3. Các loại dầu làm ẩm mũi
Ngoài thuốc xịt mũi, một số loại dầu cũng có tác dụng làm ẩm mũi như dầu oliu, dầu dừa, dầu mè, vitamin E chuyên dụng. Tuy nhiên các bác sĩ khuyên rằng, không nên lạm dụng phương pháp này thường xuyên bởi trong một số trường hợp hiếm hoi thì các dung dịch này có thể xâm nhập vào khí quản và phổi dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng cho phổi.
Đặc biệt, nếu bạn có tiền sử các vấn đề về phổi mãn tính từ trước, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi muốn áp dụng phương pháp này tại nhà.
4. Không ngoáy mũi, không cắt hết lông mũi và xì mũi đúng cách
Không chỉ riêng mùa khô, hành động ngoáy mũi có thể khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, vỡ mạch máu và chảy máu mũi. Về lâu dài, chức năng niêm mạc mũi sẽ bị suy giảm và dễ mắc các bệnh hô hấp.
Tương tự, thói quen cắt tỉa hết lông mũi sẽ làm mất hàng rào bảo vệ tự nhiên của niêm mạc mũi, vi sinh vật sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua mũi hơn.
Xì mũi quá mạnh, bóp mũi nhiều sẽ khiến chức năng của mũi bị suy giảm, nhất là khiến mũi bị khô.
5. Sử dụng máy tạo ẩm, phun sương
Máy tạo ẩm, phun sương giúp không khí trong phòng được đảm bảo đủ ẩm khiến mũi không bị khô, ngứa khó chịu do tiếp xúc với dòng không khí khô. Tuy nhiên đừng để gần máy tạo ẩm hay phun sương cạnh các đồ vật làm bằng gỗ bởi việc đồ gỗ tiếp xúc nhiều với hơi ẩm có thể kích thích nấm mốc phát triển.
Ngoài những mẹo hỗ trợ trên thì bạn cũng cần đảm bảo:
- Uống đủ nước để "dưỡng ẩm" cơ thể từ trong ra ngoài
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, tăng cường hệ miễn dịch
Khi nào thì khô đau mũi cần tới bệnh viện?
Nhìn chung tình trạng khô đau mũi mùa lạnh khá phổ biến và hiếm khi nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu như bạn bị khô mũi trên 10 ngày kèm theo các dấu hiệu như nhiễm trùng, sốt, chảy máu mũi không ngừng và suy nhược cơ thể thì cần nhanh chóng tới cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám và điều trị kịp thời.