Phối một đồ bó với một đồ rộng, tạo lớp không khí cách nhiệt ở giữa.
Một trong những điều chúng ta ghét nhất vào mùa đông, đó là bàn tay và bàn chân bị lạnh. Lạnh tay, đôi khi tê cóng khiến mọi việc đều trở nên khó khăn hơn, từ cầm một cốc cà phê cho đến làm việc với máy vi tính.
Trong khi đó, chân bị lạnh vào ban đêm khiến bạn cực kì khó chìm vào giấc ngủ. Thiếu ngủ có thể dẫn đến stress, khiến bạn uể oải vào ngày làm việc hôm sau.
Để giúp bạn chống chịu lại mùa đông và giữ ấm bàn tay và bàn chân, tiến sĩ, bác sĩ nội trú John Brill tại Đại học Wisconsin sẽ chỉ cho bạn một số mẹo và nguyên lý cơ bản về giữ ấm:
1. Phối một đồ bó với một đồ rộng, tạo lớp không khí cách nhiệt
Tiến sĩ Brill nói điều quan trọng nhất khi đối phó với thời tiết lạnh là giữ cho cơ thể, bàn tay và bàn chân được che phủ. Ngoài ra, chọn quần áo hay phối đồ cũng phải theo khoa học.
"Những dạng đồ thụng thì giữ nhiệt tốt hơn, giống như bao tay thay vì găng tay”, ông nói.
Mặc đồ thụng sẽ tạo ra một lớp không khí bao quanh cơ thể. Lớp không khí này sau đó được làm ấm bởi thân nhiệt và đóng vai trò như một lớp cách nhiệt với môi trường ngoài.
Theo nguyên lý chung này, tiến sĩ Brill gợi ý bạn nên đi 2 tất, một tất mỏng bó sát bên trong và một tất len dày hơn bên ngoài. Găng tay bó sát và xỏ ngón không thích hợp bằng một chiếc bao tay lớn ôm trùm cả 4 ngón tay và ngón cái.
Tương tự, quần áo cũng vậy. Bạn có thể mặc một chiếc sơ mi bó sát bên trong một chiếc áo len khổ rộng. Hoặc bạn cũng có thể chọn loại áo giữ nhiệt bó sát cơ thể với áo khoác lông vũ ở bên ngoài.
Tóm lại, nguyên tắc phối đồ cơ bản để giữ nhiệt là tạo được một lớp cách nhiệt giữa cơ thể với môi trường bên ngoài, trường hợp đơn giản nhất là “bẫy” không khí giữa các lớp quần áo.
2. Thử ăn cay
Thực phẩm cay có thể thúc đẩy tuần hoàn bằng cách làm giãn nở mạch máu.
Khi bạn ăn các loại thực phẩm có nhiều gia vị cay, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên. Tim bạn cũng sẽ làm việc mạnh mẽ hơn và bơm máu tốt hơn, trong khi các mạch máu nở ra giúp làn da trở nên hồng hào, ấm áp.
Bên cạnh đó, đạt được sự tuần hoàn tốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm một trái tim và hệ thống động mạch khỏe mạnh. Ớt có nhiều vitamin A và C, giúp tăng cường sức mạnh cho động mạch và các mạch máu khác, có thể ngăn ngừa chứng tê lạnh tay chân vì tuần hoàn kém.
3. Không hút thuốc lá, uống rượu và cà phê
Theo tiến sĩ Brill, ba thứ chính cần tránh trong thời gian mùa đông là nicotine, caffeine và chất cồn.
Cả nicotine và caffeine đều làm cho mạch máu co lại, khiến máu khó lưu thông đến bàn tay và bàn chân lạnh của bạn.
Ông nói thêm, có một quan niệm sai lầm phổ biến là uống rượu sẽ làm người bạn ấm lên. "Trên thực tế, rượu khiến bạn tin rằng cơ thể mình đang ấm, điều này rất nguy hiểm”, tiến sĩ Brill nhấn mạnh.
"Bạn không thực sự cảm thấy ấm áp hơn đâu, bạn chỉ tạm quên đi cảm giác lạnh của mình thôi", ông nói.
4. Ăn cá và rau xanh giàu sắt
Dùng thực phẩm bổ sung hoặc ăn những thức ăn giàu dầu cá, niacin và sắt sẽ giúp các động mạch khỏe mạnh, mở rộng cho phép dòng máu chảy tự do và thông suốt trong cơ thể.
Cá có nhiều axit béo omega 3 và omega 6 đã được chứng minh có tác dụng cải thiện tuần hoàn.
Rau xanh và thịt đỏ giàu chất sắt cũng được biết đến với tác dụng làm tăng lưu thông, tuần hoàn máu. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, bởi nó cũng có thể gây hại hệ thống tim mạch. Các loại rau xanh giàu sắt có thể kết hợp với một số loại thực phẩm giàu vitamin C để tăng hiệu quả hấp thụ.
Tiến sĩ Brill cho biết, thực phẩm bổ sung niacin cũng sẽ giúp bạn mặc dù nó có tác dụng phụ. "Niacin là chất bổ sung dùng để làm chậm sự hẹp động mạch, nhưng có thể gây ra cảm giác đổ mồ hôi”, ông nói.
5. Uống đủ nước ngay cả khi bạn không cảm thấy khát
Hệ thống tuần hoàn nuôi dưỡng tất cả các tế bào trong cơ thể, vì vậy một điều quan trọng là giữ cho máu đủ lỏng.
Bù đủ nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, bởi đó là điều kiện thiết yếu giữ cho hệ tuần hoàn hoạt động, tiến sĩ Brill cho biết. Không giống như mùa hè, mất nước ít được chú ý vào mùa đông, và bạn thậm chí không thể nhận thấy mình đang khát.
Một trong những lý do chính khiến một số người bị hạ thân nhiệt là do họ bị mất nước. Trong trường hợp này, một đồ uống nóng sẽ giúp lấy lại thân thiệt, cả từ cảm giác bên ngoài lẫn làm ấm từ sâu bên trong.
6. Hãy vận động
"Vận động một chút sẽ làm tăng lưu lượng máu, vì thế hãy đứng dậy và đi bộ trong nhà của bạn, ngay cả khi bạn vừa đi đâu đó về”, tiến sĩ Brill nói.
Ông cho biết thêm rằng máu lưu thông tốt hơn ở những người có thân hình gầy, tuy nhiên, cảm giác lạnh không nhất thiết phụ thuộc vào mức độ tập luyện thể dục.
Bởi vậy, những người béo càng cần vận động nhiều trong mùa đông. Bởi họ có thể không cảm thấy lạnh nhờ lớp mỡ dày trên cơ thể, nhưng thực chất thì máu đến bàn chân và bàn tay của họ lưu thông rất kém trong mùa đông.
Tiến sĩ Brill nói xoa hai bàn tay vào nhau và vận động bàn chân sẽ giúp máu di chuyển đến các đầu ngón. "Nếu tay và chân của bạn lạnh hoặc bị cóng lại do lạnh, hãy để ngâm chúng vào nước ấm trong nửa giờ, cho đến khi hồng hào trở lại bình thường”, ông nói.
7. Nếu bạn làm mọi cách vẫn chưa hết lạnh?
Cảm thấy đau ở bàn tay, bàn chân kèm với cảm giác lạnh không thể cải thiện, có thể một động mạch của bạn đang bị tắc ở đâu đó, hoặc bạn đang mắc một bệnh nào khác.
Tiến sĩ Brill cho biết bạn nên tìm kiếm xem có dấu hiệu lạ nào nữa không, như sự thay đổi màu da, vết loét…
"Nếu ai đó luôn luôn bị lạnh, nó có thể là dấu hiệu tắc nghẽn lưu thông, thiếu máu hoặc hiện tượng Raynaud", ông nói.
Raynaud là một tình trạng trong đó một số vùng trên cơ thể cảm thấy tê và bị đổi màu khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Đó là do máu chảy đến ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi bị giảm do mạch máu hẹp.
Tiến sĩ Brill nói rằng nếu không có biện pháp khắc phục nào phía trên hiệu quả trong việc làm bạn thấy ấm hơn, đã đến lúc để đi khám.