Hiện có rất nhiều yếu tố gây các bệnh lý đường hô hấp, ung thư phổi. Để bảo vệ lá phổi và biết lá phổi “sạch”, chuyên gia chia sẻ những lưu ý dưới đây.
BSCKI. Nguyễn Thanh Tuấn - Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, lá phổi là một cơ quan quan trọng thực hiện nhiệm vụ trao đổi khí, đem oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi và mang carbon dioxit từ động mạch phổi ra bên ngoài. Bên cạnh đó, phổi còn góp phần vào quá trình chuyển hóa một số chất sinh hóa, lọc độc tố trong máu.
Hiện nay, có rất nhiều yếu tố gây các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là những tác nhân virus, vi khuẩn. Ngoài ra, các yếu tố khác như thuốc lá, ô nhiễm không khí, di truyền,... cũng là những nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi. Đây là bệnh lý ung thư đứng thứ 2 trong 10 loại ung thư phổ biến ở nước ta và có tiên lượng tử vong cao khi không được phát hiện sớm.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Phượng - Nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi - Viện Phổi Trung ương, ở nhiều trường hợp, bệnh ung thư phổi ở giai đoạn đầu diễn biến âm thầm, các triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Sau chẩn đoán, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư phổi quá 5 năm chỉ khoảng 15% tính trung bình trên thế giới. Do đó mà phòng tránh và phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng cần thiết và quan trọng.
Có nhiều trường hợp phát hiện bệnh lý ở phổi ở giai đoạn muộn vì bỏ qua những dấu hiệu thường ngày. BS Tuấn kể, mới đây có bệnh nhân 16 tuổi ở Hà Nội vào khám vì thấy xuất hiện hạch vùng cổ và bất ngờ chẩn đoán bị lao hạch khi tuổi đời còn rất trẻ. Bệnh nhân 6 tháng trước đó có biểu hiện ho nhiều, ít đờm. Sau đó ở vùng cổ có nổi hạch, tăng kích thước hạch dần nên đi khám ở một bệnh viện được chẩn đoán theo dõi viêm hạch - viêm phổi trái và kê đơn thuốc kháng sinh uống 5 ngày.
Mặc dù uống thuốc, bệnh nhân vẫn hay sốt về chiều, nhiệt độ cơ thể 37,5- 38,5 độ C và sụt cân. Vùng hạch cổ sưng đau, ho húng hắng nên đã vào bệnh viện kiểm tra. Sau khi khai thác tiền sử gia đình biết có ông ngoại mất vì bị lao hạch nên bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm kiểm tra. Kết quả siêu âm có nhiều hạch bất thường vùng cổ trái, hạch lớn kích thước 13x8mm, đồng thời chỉ định chụp CT lồng ngực 128 dãy để chẩn đoán tổn thương phổi và kết luận theo dõi lao phổi.
Bệnh nhân ngay sau đó được hội chẩn cùng các chuyên gia, tư vấn chọc hạch và lấy đờm làm xét nghiệm kết quả cho thấy có dương tính với vi khuẩn lao và được chuyên gia kê đơn điều trị lao.
Các bệnh lý về phổi phát hiện muộn vì dễ bị bỏ qua với những dấu hiệu ban đầu. Ảnh minh họa
Những việc làm bắt buộc làm để giữ lá phổi khoẻ
- Nên uống nhiều nước, duy trì hoạt động thể chất, ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh hô hấp;
- Tránh hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc chủ động và bị động.
- Cách duy nhất để biết lá phổi có khỏe hay không là người dân cần định kỳ kiểm tra hàng năm.
Những dấu hiệu gợi ý của bệnh là nam giới từ trên 40 tuổi nhưng không loại trừ người trẻ tuổi, nghiện thuốc lá/thuốc lào, ho khan kéo dài, có thể có đờm lẫn máu, điều trị kháng sinh không hiệu quả,… Nếu có những dấu hiệu bất thường này cần đi khám ngay.
Thông thường đi khám sức khỏe, người dân có thể được chỉ định khám và làm những kỹ thuật như sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ hỏi bệnh nhân về tiền sử mắc bệnh trong gia đình và thăm khám ban đầu thông qua quan sát, nghe phổi,...
- Chụp ảnh quang phổi: Phát hiện bất thường hoặc khối u trên phổi nhưng có thể bỏ sót khi khối u có kích thước quá nhỏ;
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Phát hiện những tổn thương có kích thước dưới 1 mm, nên thường được chỉ định làm khi kết quả chụp X-quang có nghi ngờ khối u.
- Xét nghiệm đờm, máu: Dấu ấn ung thư phổi (Cyfra 21 - 1, NSE, ProGRP, CEA, CA 19 - 9).
Qua những kết quả khám, người dân nắm được tình trạng sức khỏe của mình để an tâm luyện tập, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. Nếu không may phát hiện ra cơ thể có mầm bệnh sẽ có cơ hội điều trị sớm, tăng hiệu quả và giảm chi phí điều trị bệnh.