Tuyến giáp là bộ phận quan trọng trên cơ thể, cho nên bạn cần phát hiện bất thường sớm để đi khám, phòng ngừa nhiều biến chứng.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Cơ quan này nằm phía trước cổ, có hình dạng như con bướm giúp tăng cường trao đổi chất, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể… Tuy nhỏ bé nhưng tuyến giáp đóng góp rất nhiều cho sức khỏe.
Chính vì nhiều vai trò như vậy nên khi tuyến giáp bị tổn thương, nó sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa và tác động tới sức khỏe người bệnh. Nhìn chung, các bệnh lý tuyến giáp sẽ khởi phát khi cấu trúc hoặc chức năng của nó xuất hiện những bất thường, cụ thể như sau:
- Suy giáp: Đây là tình trạng khi tuyến giáp không tiết đủ hormone để duy trì quá trình chuyển hóa của cơ thể. Điều này khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp, giảm trí nhớ, tăng cân…
- Cường giáp: Lúc này tuyến giáp lại sản sinh ra quá nhiều hormone, khiến tốc độ chuyển hóa chất của cơ thể tăng bất thường. Bệnh này thường có các biểu hiện như huyết áp tăng, nhịp tim nhanh, tăng tiết mồ hôi, khó ngủ, giảm cân khó hiểu…
- Ung thư tuyến giáp: Loại ung thư này có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng nhưng càng về sau sẽ xuất hiện các dấu hiệu như khàn giọng, sưng hạch bạch huyết ở cổ, khó nuốt, khó thở…
Cách phát hiện bệnh tuyến giáp bằng 1 cốc nước
Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Nội tiết lâm sàng Mỹ (AACE), chỉ cần 1 cốc nước hoàn toàn có thể phát hiện sớm bệnh tuyến giáp. Cụ thể cách làm như sau:
- Đứng trước gương để có thể tự nhìn thấy cổ của bản thân. Nhất định phải tháo bỏ hết khăn quàng cổ, cà vạt, nữ trang… để lộ hoàn toàn phần cổ.
- Sau đó bạn nhẹ nhàng ngẩng cổ lên cao, mở rộng phần cổ hết mức để quan sát toàn bộ phần cổ.
- Tiếp theo hãy uống 1 ngụm nước và nuốt. Sự di chuyển vị trí của thanh quản sẽ giúp bạn nhìn rõ hình dạng của tuyến giáp, từ đó phát hiện điểm bất thường.
- Khi nuốt ngụm nước thì phải để ý thật kỹ. Nếu có một vết sưng hình tròn thì đó là nốt tuyến giáp, có thể sờ thấy nó di chuyển cùng với tuyến giáp khi bạn nuốt. Bạn còn nhìn thấy bướu cổ ở một hoặc hai bên của tuyến giáp.
- Sau khi xác định được tuyến giáp, bạn hãy dùng tay sờ nhẹ vào nó xem có thấy thứ gì lồi ra không. Nếu có khối u lồi ra thì phải đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Dù có phải là ung thư hay không thì đó cũng là dấu hiệu bệnh tuyến giáp.
Những thực phẩm bảo vệ tuyến giáp
Để phòng tránh những bệnh về tuyến giáp thì không có cách gì tốt hơn bằng việc bổ sung thực phẩm. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), sau đây là những thực phẩm cải thiện chức năng tuyến giáp hiệu quả, bạn nên ăn nhiều hơn:
- Bổ sung iot và protein thông qua các loại hải sản và các loại rau lá xanh đậm. Đặc biệt cần dùng thêm muối iot để cải thiện quá trình trao đổi chất.
- Cần nạp thêm kẽm, sắt và selen trong các loại rau cải bó xôi, thịt heo, thịt bò, các loại hạt… vì chúng kích thích tuyến giáp hoạt động trơn tru hơn.
- Cần đặc biệt bổ sung axit omega3 trong các loại cá béo, hạt lanh, cải bó xôi… vì chúng giúp cải thiện quá trình trao đổi chất và điều trị các bệnh liên quan tới tuyến giáp.
- Vitamin A trong cà rốt, khoai lang, xoài, mơ… là khoáng chất giúp ngăn ngừa bệnh tuyến giáp hiệu quả.
- Vitamin D và vitamin B có thể ngăn ngừa bệnh Hashimoto – nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh suy giáp. Bạn có thể bổ sung chúng trong các loại rau lá xanh đậm, súp lơ, củ cải đỏ, thịt lợn, gan động vật, nấm, các loại cá bé…