Nhiều người nghĩ kính ô tô có khả năng bảo vệ được làn da dưới tác động của ánh nắng mặt trời như tia UVA và UVB. Thực tế thì sao, có cần chống nắng khi ngồi trong ô tô không?
Thời tiết nóng nực cùng với ánh nắng gay gắt của mùa hè khiến nhiều người nghĩ đến chuyện... nên đi ô tô thay vì xe máy. Vì ngoài chuyện trong ô tô có điều hòa mát mẻ, chúng ta không phải đổ mồ hôi như khi "phơi mình" trên xe máy dưới ánh nắng mặt trời thì đi ô tô còn có thể giúp chúng ta... không bị đen da. Nói một cách đơn giản hơn thì là: Cửa kính ô tô đóng kín rồi thì sẽ tránh được ánh nắng, bảo vệ da tốt hơn so với việc mặc tới 3-5 lớp áo chống nắng mà vẫn phải trân mình ngoài trời.
Thực tế thì sao, có cần chống nắng khi ngồi trong ô tô không?
Nhiều người vẫn luôn tin rằng, da của chúng ta chỉ chịu những tác động của tia cực tím khi chúng ta ra ngoài. Còn một khi đã ở trong ô tô thì có thể yên tâm phần nào, nhất là nếu có thứ gì đó che chắn cửa kính ô tô thì càng yên tâm hơn nữa. Nhưng nếu là người quan tâm đến việc bảo vệ da mùa hè, thì chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hình ảnh của một tài xế xe tài 70 tuổi được chia sẻ rộng rãi hơn 1 năm trở lại đây.
Bức ảnh đã lột tả chính xác những thiệt hại đáng kinh ngạc của ánh mặt trời gây ra trên mặt ông trong một khoảng thời gian dài khi mà ông không có bất kì biện pháp bảo vệ da nào.
Trong suốt 28 năm làm nghề lái xe, người đàn ông này đã không ngừng tiếp xúc với tia UVA chiếu qua cửa sổ. Chính vì vậy, bên mặt gần cửa sổ của ông bị lão hóa và nhăn nheo nghiêm trọng hơn rất nhiều so với phần mặt bên kia ít phải tiếp xúc với ánh mặt trời.
Điều này có nghĩa là gì? Tia cực tím có khả năng gây hại đến làn da của chúng ta ngay cả khi trong bóng râm, ở dưới nước, và kính ô tô cũng không ngoại lệ. Tất nhiên là những môi trường trên vẫn có thể gây ra những cản trở nhất định đối với sự xâm nhập của tia UV, nhưng không thể ngăn chặn được hoàn toàn.
Theo các chuyên gia da liễu, không phải đóng kín cửa ô tô đã là chống nắng tốt. Phần cửa trước ô tô có thể chống nắng được nhưng với 2 cửa bên thì tia UV vẫn có thể xuyên qua. Đặc biệt là với tình hình nắng nóng gay gắt như ở nước ta, việc ngồi trong xe ô tô phải di chuyển liên tục dưới cái nắng 30-40 độ rất dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường do ánh nắng mặt trời gây ra như sạm nám da, lão hóa da sớm, tăng sắc tố da, cháy nắng hoặc thậm chí là ung thư da.
Tia UVA có thể xuyên qua các cửa kính và xuyên qua các đám mây, dẫn đến sự phá hủy các sợi đàn hồi của da
Theo các chuyên gia về da của trang Skincancer.org, tia UVA gần như không thể tránh được, vì chúng chiếm tới 95% bức xạ tia cực tím chiếu xuống bề mặt trái đất.
Và trong khi tia UVB thường liên quan đến tỷ lệ ung thư da cao hơn thì tia UVA cũng đã được chứng minh là gây đột biến DNA đáng kể và có độc tính trực tiếp, dẫn đến sự hình thành ung thư da.
Nhiều chuyên gia đã nhận định, lớp kính chắn gió phía trước ô tô có khả năng ngăn chặn được tia UVA và UVB khá tốt, tuy nhiên mặt kính ở phía sau và ở 2 bên thì chỉ có thể giúp chúng ta ngăn chặn được tia UVB.
Hiện nay, nhiều gia đình cũng chú ý hơn đến việc tránh ánh nắng chiếu vào trong ô tô bằng cách dùng công nghệ dán film chống nắng, cách nhiệt, chống phản quang... Những biện pháp tiên tiến này mặc dù cũng có tác dụng hạn chế bức xạ mặt trời nhưng giá cả lại là một vấn đề cần cân nhắc. Còn nếu dừng lại ở việc dùng cách tấm dán giảm nhiệt bình thường hoặc miếng chắn nắng để hạn chế tia UV thì người dùng vẫn phải chịu một phần ảnh hưởng từ nắng mặt trời.
Các cách bảo vệ da hiệu quả khi ngồi trong xe hơi
Có cần chống nắng khi ngồi trong ô tô không? - Chắc hẳn với những tác hại khôn lường nêu trên thì câu trả lời là "Có".
Theo BS CK1 Đinh Doãn Thạch, bệnh viện Da liễu Hà Nội, người dân cần thực hiện các biện pháp chống nắng như ở ngoài trời ngay cả khi ngồi trong ô tô. Nếu không thể trang bị những thiết bị có tác dụng cản tia UV cho xe hơi thì người trong xe nên sử dụng các biện pháp đơn giản nhất có thể làm được như: Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài, che chắn vùng da hở, bôi kem chống nắng đầy đủ, nhất là đối với những vùng da hở ra ngoài như bàn tay, cổ tay...
Ngoài ra, nên hạn chế ra đường trong thời gian nắng nóng cao điểm. Cụ thể là nên hạn chế ra đường, lái xe vào thời điểm 12-15h trưa, đồng thời chú ý bù nước cho cơ thể hợp lý.
Ngoài ra, các bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo chúng ta nên bôi kem chống nắng trước khi đi ra khỏi nhà vào buổi sáng và sau 3-4 giờ thì bôi lại một lần vì lúc này khả năng bảo vệ của kem chống nắng sẽ giảm dần và không còn hiệu quả. Thậm chí càng lên cao mặt trời càng gây hại hơn nên cần bôi kem chống nắng ngay cả khi đi máy bay.