Không chỉ có nhân viên y tế trong tâm dịch hay những người phải làm việc dưới tiết trời nắng nóng cực điểm nói chung, trong cuộc sống hàng ngày, cũng có vô số những mối nguy hiểm giấu mặt đe dọa sức khỏe trong những ngày nắng nóng cực điểm.
Chúng ta đang trải qua những ngày nắng nóng cực điểm kéo dài với nền nhiệt độ trên 39 độ C, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Cứ nhìn hình ảnh được chuyển ra từ tâm dịch Bắc Giang, chúng ta sẽ thấy thời tiết nắng nóng đáng sợ đến thế nào. Nó khiến bao nhân viên y tế bị sốc nhiệt, bị ngất xỉu, phải nằm la liệt dưới đất nghỉ ngơi. Nhưng cũng không chỉ có nhân viên y tế trong tâm dịch hay những người phải làm việc dưới tiết trời nắng nóng cực điểm nói chung, trong cuộc sống hàng ngày, cũng có vô số những mối nguy hiểm giấu mặt đe dọa sức khỏe trong những ngày nắng nóng cực điểm.
Dưới đây là một số những mối nguy hiểm trong ngày nắng nóng được giới chuyên gia chỉ rõ:
1. Sốc nhiệt do ngồi điều hòa
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người có suy nghĩ trời càng nóng càng bật điều hòa ở nhiệt độ thấp để làm mát cơ thể là sai lầm. Bật điều hòa nhiệt độ quá thấp không chỉ tốn điện mà còn dễ làm người dùng bị sốc nhiệt do chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài khi đi ra vào, gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe. Ngay cả những ngày nắng nóng, cũng không nên để nhiệt độ thấp hơn 5 độ C so với bên ngoài. Ngoại trừ những ngày nhiệt độ nóng trên 35 độ C, bạn có thể để điều hòa ở mức 28 độ C.
Giải pháp: Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm chỉ bật điều hòa ở mức 28-29 độ C. Ngoài ra, vào những ngày mát mẻ hơn 35 độ C, bạn chỉ nên bật ở mức thấp hơn 5 độ C bên ngoài trời để bảo vệ sức khỏe, tránh sốc nhiệt.
2. Ngạt khí trong ô tô
Vào mùa hè, nhất là vào tiết trời nắng nóng cao điểm, nhiều người tài xế có thói quen đóng kín cửa kính lại rồi ngủ trong ô tô bật điều hòa mát rượi để nghỉ ngơi sau những cuốc xe mệt nhoài. Điều này vô cùng nguy hiểm. Trong thực tế cũng đã ghi nhận không ít các vụ việc tử vong vì thói quen này.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn ( khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), khi lái xe đang di chuyển, có bật điều hòa thì lượng không khí luôn thay đổi. Vì thế khí CO không có nồng độ cao xung quanh xe và cũng khó len lỏi vào trong buồng lái. Trong khi đó, khi xe dừng lại, việc bật điều hòa như này lại vô cùng nguy hiểm, nồng độ khí CO tăng cao và nguy cơ ngạt thở, mất mạng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Giải pháp: Trong tiết trời nắng nóng trên 40 độ C ở ngoài đường, khi lái xe đang ngồi chờ khách hoặc ngồi nghỉ ngơi thì tốt nhất nên kiếm những nơi có tán cây bóng mát để dừng đỗ. Nếu nằm nghỉ trong xe nên để chế độ lọc gió ngoài, đồng thời để hé cửa kính khoảng 2-3cm để không khí từ bên ngoài vào, tránh việc ngộ độc khí CO. Sau khoảng 45 phút ngồi điều hòa nên mở cửa ra ngoài xe để lấy không khí thoáng mát bên ngoài và hạn chế ngồi trong xe liên tục hàng giờ.
3. Nguy cơ vô sinh, viêm nhiễm vùng kín vì ngồi yên xe bị nóng
Trong khi ngồi ô tô có thể đỡ hơn khoản phải ngồi yên xe nóng thì đa số người dân vẫn sử dụng xe máy là phương tiện di chuyển chính. Những chiếc yên xe bị phơi dưới trời nắng vô cùng bỏng rát là nguồn cơn dẫn đến nhiều hệ lụy hơn bạn tưởng.
Theo bs Lê Thị Kim Dung ( Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp), tiếp xúc với nhiệt độ quá cao có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Điều này sẽ khiến quá trình bảo vệ tự nhiên của vùng kín bị ngăn chặn, đồng thời tạo điều kiện cho nguy cơ gây viêm nhiễm gia tăng. Đối với nam giới, khi "cậu nhỏ" tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ khiến quá trình sản xuất tinh binh bị hạn chế. Mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể, chính xác về việc ngồi lên yên xe nóng gây vô sinh nhưng điều này ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất tinh binh. Do đó chúng ta không nên chủ quan.
Giải pháp: Có thể xịt nước lên yên xe, sau đó đợi 1-2 phút rồi mới ngồi lên. Hạn chế mặc quần quá mỏng để tránh nắng hoặc yên xe làm bỏng rát da. Bạn cũng có thể sử dụng các loại vải chống nắng phủ lên xe nếu bắt buộc phải ngồi lên yên đang nóng.