Tiêu chảy cấp ở cả người lớn và trẻ em dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước và điện giải. Nếu không được bù các chất này đầy đủ sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
1. Thuốc bù nước và điện giải có tác dụng gì với tiêu chảy cấp?
Các chế phẩm bù nước, điện giải dù với tên thương hiệu như thế nào (oresol, hydrid…) hay bổ sung thêm mùi vị ra sao thì đều bao gồm các thành phần: Na, K, CI... Đây là các chất thích hợp cho việc bù lại lượng nước và điện giải đã mất.
Thuốc được dùng trong các trường hợp: Tiêu chảy, nôn nhiều, sốt cao, hay khi hoạt động thể thao, những người làm việc vất vả, nặng nhọc ra mồ hôi nhiều...
Đối với tiêu chảy cấp ở trẻ em, bổ sung nước, điện giải là việc làm đầu tiên trong quá trình điều trị.
Trong tiêu chảy cấp, lượng kali ở trẻ bị mất đi qua phân nhiều hơn người lớn. Do đó khi được bổ sung nước và điện giải qua dung dịch oresol, giúp cơ thể trẻ bù lại được lượng kali đã mất đi này. Bổ sung dung dịch kịp thời còn có tác dụng khắc phục nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa do mất nước. Ngay khi dầu hiệu tiêu chảy xuất hiện, nếu được bù nước và điện giải kịp thời sẽ tránh được các tổn hại và tránh được nguy cơ phải dùng những biện pháp can thiệp như truyền tĩnh mạch.
Mặc dù oresol khá lành tính, an toàn cho hầu hết các trường hợp, nhưng thuốc cũng có một số tác dụng phụ như gây buồn nôn nhẹ (đặc biệt là khi bị tiêu chảy cấp thường kèm theo nôn); lượng natri huyết tăng hoặc có thể xảy ra tình trạng sốc, suy tim do bù nước quá mức (đặc biệt là qua đường truyền). Tuy nhiên các trường hợp này rất hiếm gặp.
Vậy cách nào để bổ sung điện giải đúng?
2. Cách bổ sung nước và điện giải an toàn hiệu quả
- Khi pha thuốc oresol cần phải tuân theo đúng tỷ lệ của nhà sản xuất. Nếu pha đặc hoặc loãng hơn tỷ lệ hướng dẫn sẽ khiến áp lực thẩm thấu của oresol thay đổi, khiến ruột không hấp thu được nước mà còn khiến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn. Do đó cần phải sử dụng dụng cụ đo chính xác.
- Dung dịch đã pha chỉ sử dụng trong 24 giờ, nếu còn thừa thì đổ đi, rửa sạch bình chứa và pha gói mới. Vì thế, đối với trẻ em nên lựa chọn gói oresol nhỏ, pha với 200ml nước thay vì gói pha với 1000ml nước.
- Chỉ pha oresol với nước đun sôi để nguội, không dùng nước khoáng. Bởi trong nước khoáng đã có các ion điện giải, sẽ làm sai lệch tỷ lệ các chất điện giải có trong dung dịch. Không được đun sôi dung dịch oresol sau khi pha.
- Không pha oresol với các loại nước khác như: Sữa, nước trái cây, nước canh, nước cháo… vì sẽ làm thay đổi thành phần cũng như tác dụng của thuốc.
- Trước khi uống, khuấy đều hoặc lắc kỹ dung dịch oresol, nên uống dung dịch này thay thế cho nước cả ngày.
Với trẻ mất nước nhẹ, uống dung dịch điện giải như sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi uống 50ml sau mỗi lần bị tiêu chảy. Có thể chia nhỏ làm nhiều lần chứ không nên ép trẻ uống cùng 1 lúc vì khiến trẻ sợ, nhưng cố gắng bù đủ khoảng 100-200ml dung dịch/ngày.
- Trẻ từ 2-6 tuổi, khuyến khích trẻ uống từ 100ml/lần, ngày 2-3 lần.
- Trẻ từ 6-10 tuổi, uống 150ml/lần, ngày 2-3 lần.
- Trẻ trên 10 tuổi khuyến khích trẻ uống oresol cho đến lúc hết cảm giác khát nước, uống theo từng ngụm nhỏ.
Chú ý: Trong quá trình uống oresol nếu trẻ bị nôn, thì kiên nhẫn chờ khoảng 10 phút sau rồi tiếp tục cho trẻ uống. Nhưng nên uống chậm lại từng ngụm nhỏ.
Với trẻ bị mất nước vừa cần uống dung dịch bù điện giải trong vòng 4 giờ như sau:
- Trẻ dưới nặng 5kg cần bổ sung 200-400ml.
- Trẻ từ nặng 5 đến dưới 8kg cần bổ sung 400-600ml.
- Trẻ nặng từ 8 đến dưới 11kg cần uống từ 600-800ml.
- Trẻ nặng từ 11 đến dưới 16kg cần uống từ 800-1200ml.
- Trẻ nặng từ 16 đến dưới 20kg cần uống từ 1200-2200ml.
Hoặc có thể áp dụng cách tính: Cân nặng của trẻ x 75ml sẽ ra số lượng oresol cần bổ sung cho trẻ trong 4 giờ.
Lưu ý: Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cần cho trẻ uống oresol uống bằng thìa nhỏ, uống từ từ. Trẻ đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường hoặc cho bú nhiều hơn.
Trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ.
Ngừng việc uống oresol ngay nếu thấy mi mắt trẻ sưng nề hoặc trẻ nôn nhiều không uống được.
Nếu trẻ không đỡ sau 3 ngày dùng thuốc, hoặc có các dấu hiệu khác xuất hiện như đi ngoài nhiều hơn, nôn nhiều, trong phân có máu hoặc ăn uống kém đi thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Với trẻ mất nước nặng, cần được điều trị tại cơ sở y tế.
Ngoài bổ sung nước và điện giải, trẻ vẫn cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Mặc dù cần tránh cho trẻ trong giai đoạn này các loại thực phẩm khó tiêu nhưng không nên khiêng khem quá dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.
Cha mẹ cần lưu ý chế biến các loại thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu nhưng vẫn phải cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ. Có thể bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ như lysine, các vi chất như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B. Các vi chất này giúp cung cấp nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ và hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ trong quá trình bị tiêu chảy.