Trong tài liệu "Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế" có đề cập đến việc Tự theo dõi sức khỏe của người nhiễm tại nhà, bao gồm cả việc ứng phó với những căng thẳng tinh thần của F0.
Trong phần này, ngoài hướng dẫn theo dõi sức khỏe, cách sử dụng nhiệt kế và dùng thuốc, Bộ Y tế còn đưa ra những phương án giúp đối phó với tình trạng căng thẳng tinh thần của F0.
Theo Bộ Y tế, hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế khi một người mắc COVID-19, các thành viên trong gia đình có thể thấy lo âu, căng thẳng.
Người mắc COVID-19 cũng có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như:
- Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân.
- Thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung.
- Ăn uống kém, chán ăn. Các bệnh mạn tính trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch...
- Các bệnh tâm thần cũng vì thế mà có thể trầm trọng hơn.
- Người bệnh sẽ có thể uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn...
F0 có thể ứng phó với tình trạng căng thẳng tinh thần bằng những cách sau:
- Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, facebook, youtube, tiktok...
- Chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân như: Hít thở sâu hoặc thực hành thiền; Cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya; Tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.
- Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)...
- Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
- Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác. Tâm sự về những lo lắng.
- Kết nối với các tổ chức cộng đồng hoặc tôn giáo hoặc nhóm diễn đàn xã hội.
- Thừa nhận là việc căng thẳng cũng không sao, không có gì là xấu hổ khi nhờ người khác giúp đỡ.
Cách tập luyện, vận động để nâng cao sức khỏe
Người nhiễm COVID-19 ngoài việc chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.
Tập luyện, vận động trong giai đoạn này giúp:
- Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn.
- Tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm.
- Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp.
- Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
Một số bài tập thở, vận động gồm:
- Các bài tập thở.
- Vận động tại giường
- Bài tập giãn cơ
- Bài tập thể lực tăng sức bền
Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
Lưu ý chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19
Cha mẹ hãy bình tĩnh nếu con mình nhiễm COVID-19 và tự tin vào khả năng chăm sóc trẻ khi trẻ nhiễm. Cha mẹ cần để ý xem trẻ có thay đổi hành vi hay không, đặc biệt là:
- Khóc hoặc cáu quá mức ở trẻ nhỏ.
- Lo lắng hoặc buồn thái quá.
- Thói quen ăn uống hoặc ngủ không lành mạnh.
- Dễ cáu và hành vi "cư xử không đúng đắn" ở thanh thiếu niên.
- Kết quả học tập kém hoặc trốn tránh tham gia học trực tuyến.
- Khó chú ý và tập trung.
- Bỏ tham gia các hoạt động trẻ từng thích trước đây.
- Nhức đầu hoặc đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân.
- Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác (đối với trẻ lớn).
Những việc cần làm để hỗ trợ, chăm sóc con bị nhiễm COVID-19:
- Tâm sự, trấn an con về dịch COVID-19.
- Giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch COVID-19. Trẻ có thể hiểu sai thông tin và có thể hoảng sợ.
- Hạn chế gia đình tiếp xúc và nói chuyện về tin tức, sự kiện về COVID-19 có thể gây hoang mang, sợ hãi.
- Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học. Lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập và nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí.
- Hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như: rửa tay thường xuyên; sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải.
- Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với bố, mẹ...
Lời khuyên cho F0 là người có bệnh nền, phụ nữ mang thai
Tất cả người nhiễm COVID-19 có bệnh nền, có thai, béo phì, người trên 50 tuổi và trẻ em dưới 12 tháng tuổi đều phải được điều trị tại bệnh viện.
Trong thời gian chờ đợi được đưa đến bệnh viện, F0 thuộc nhóm đối tượng này cần chú ý:
- Được chăm sóc và phòng ngừa lây nhiễm như những người nhiễm khác.
- Theo dõi sát hơn để phát hiện tất cả những bất thường.
- Gọi cho nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe gia đình hoặc của chính quyền địa phương hoặc đường dây nóng khi có bất kì dấu hiệu bất thường nào.
- Mang theo thuốc sẵn có vào bệnh viện để tiếp tục sử dụng và thông báo với bác sỹ điều trị về bệnh nền và thuốc đang sử dụng của mình.
- Gia đình cần tích cực động viên, an ủi người nhiễm.