Mùa thu đến, bạn sẽ luôn cảm thấy làn da bị dấm dứt do không khí hanh khô. Nếu không được chăm sóc đúng cách da sẽ bị nhăn, lão hóa. Do đó việc chăm sóc da vào mùa thu là rất cần thiết để giữ cho làn da khỏe đẹp.
1. Vì sao nên tích cực chăm sóc da vào mùa thu?
Mùa thu được cho là mùa lý tưởng để chăm sóc da. Lúc này, sau một mùa hè kéo dài, làn da bị ảnh hưởng bởi ánh nắng và nhiệt độ cao, ít nhiều sẽ bị đen sạm, nám, trứng cá... Thời tiết mùa thu đã mát mẻ nhưng không giá lạnh như mùa đông. Mặc dù ánh nắng vẫn còn gay gắt nhưng tác động không mạnh mẽ như mùa hè. Khí hậu hanh khô sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến độ ẩm của làn da. Khi da bị khô sẽ mất đi độ đàn hồi, khô ráp và làm sắc tố da thêm đậm...
Tuy nhiên, làn da nhăn nheo, khô ráp hay mịn màng tùy thuộc vào cách chăm sóc. Lúc này nếu da được chăm sóc bài bản, đúng cách sẽ giúp loại bỏ tình trạng da đen sạm của mùa hè. Hơn nữa, việc cấp ẩm và các dưỡng chất lúc này sẽ giúp làn da phục hồi, trắng mịn...
2. Các bước chăm sóc da tại nhà
2.1. Dùng kem dưỡng ẩm
Do độ ẩm trong không khí thấp, nên lớp thượng bì của da thường bị mất nước. Sử dụng kem dưỡng ẩm là bước rất quan trọng phải được thực hiện mỗi ngày ít nhất 2 lần để khắc phục tình trạng da khô. Tùy type da sẽ lựa chọn kem dưỡng ẩm phù hợp để tránh lãng phí và nguy cơ hình thành mụn nếu dùng sản phẩm không đúng:
- Với type da khô, nên chọn kem dưỡng ẩm có thành phần hyaluronic acid (HA), ceramide.
- Với type da dầu chọn kem có chứa thành phần HA, niacinamide hoặc glycolic.
- Trường hợp da hỗn hợp thiên khô hoặc da nhạy cảm nên lựa chọn thành phần lành tính, tương tự như da khô. Chú ý tránh xa các sản phẩm có chứa paraben, chất tạo bọt sodium lauryl sulfate và các hương liệu...
Với làn da hỗn hợp thiên dầu, cũng sử dụng các sản phẩm lành tính, bào chế dạng gel để giúp da luôn thông thoáng.
Nếu da bị mụn cần sử dụng những sản phẩm dạng lỏng, gel để da luôn thông thoáng. Nên chọn sản phẩm dưỡng ẩm cho da có chứa các thành phần lành tính như salicylic acid, không dầu...
Bước dưỡng ẩm nên được thực hiện 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, sau khi da được vệ sinh sạch sẽ.
2.2. Kem chống nắng
Mặc dù ánh nắng không còn gay gắt như mùa hè, nhưng tác hại của tia UV vẫn ảnh hưởng nặng nề đến da nếu không được bảo vệ. Do đó sử dụng kem chống nắng, đặc biệt là sản phẩm có chứa các thành phần dưỡng ẩm là cực kỳ cần thiết. Tùy thuộc vào type da để chọn loại kem chống nắng phù hợp:
- Kem chống nắng cho da dầu, mụn: Ưu tiên chọn loại chống nắng vật lý vì sẽ giúp da không bị bóng nhờn và bết dính, chọn loại có chỉ số chống nắng nên từ SPF 30+ trở lên.
+ Nên chọn loại có chứa thành phần:
- Niacinamide: Có tác dụng kiềm dầu, giảm tiết bã nhờn, đồng thời giúp dưỡng sáng và phục hồi da tổn thương.
- Các hoạt chất tẩy da chết AHA/BHA/PHA, nồng độ thấp giúp kiểm soát dầu thừa và làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Các thành phần silica, chiết xuất bột bắp, muối nhôm, đất sét có khả năng hút dầu và giảm tiết dầu nhờn, giúp bề mặt da khô thoáng.
+ Không chọn kem chống nắng có chứa các thành phần:
- Silicone, dầu khoáng hay các thành phần gốc dầu có thể làm bí bách da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, tiết dầu nhiều hơn, dễ lên mụn.
- Các thành phần chiết xuất cấp ẩm nhiều và dày như shea butter (bơ hạt mỡ), dầu olive, dầu dừa dễ gây nhờn dính và nặng mặt cho da.
- Kem chống nắng cho da khô: Lựa chọn kem chống nắng phù hợp cho da khô vừa giúp da bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng mặt trời vừa giúp da tránh được tình trạng khô da.
+ Các thành phần nên có trong kem chống nắng phù hợp với da khô:
- Hyaluronic acid (HA): Là một phân tử quan trọng trong quá trình ngăn lão hóa da và độ ẩm da.
- Glycerin: Là thành phần dưỡng ẩm, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, thiếu độ ẩm cho da.
- Ceramide: Là một phân tử lipid được tìm thấy ở lớp biểu bì của da. Đây là một thành phần quan trọng để bảo vệ hàng rào da và ngăn ngừa mất nước.
- Niacinamide: Là một thành phần dưỡng ẩm rất quan trọng, hoạt động bằng cách tăng sản xuất protein thiết yếu (filaggrin), lipid (ceramide). Những protein và lipid này là yếu tố quan trong trong việc giữ ẩm cho da.
- Shea butter: Là một loại bơ thực vật, được chiết xuất từ hạt cây shea. Có tác dụng làm dịu và dưỡng ẩm tốt.
+ Thành phần nên tránh trong kem chống nắng cho da khô: Các thành phần dưới đây nếu sử dụng cho da khô sẽ có nguy cơ gây phát ban, đỏ da và khiến da càng khô hơn:
- Hương liệu: Mặc dù hương thơm có thể giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu và quyến rũ hơn, nhưng đây là một chất có khả năng gây dị ứng cao, khiến da khô hơn. Do đó với người có type da khô, nếu sử dụng kem chống nắng có hương thơm thì nguy cơ dị ứng càng cao.
- Nguồn gốc từ thực vật: Mặc dù các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật được cho là an toàn vì được sản xuất từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, một số thành phần có trong sản phẩm kem chống nắng có nguồn gốc thực vật có thể gây kích thích da khô, cũng như gây ra phát ban và đỏ da.
Lưu ý: Nên thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài ít nhất 20 phút để kem thẩm thấu tốt, giúp da có đủ khả năng chống lại tác động từ môi trường tốt nhất.
2.3. Đắp mặt nạ
Đắp mặt nạ là biện pháp quan trọng giúp cung cấp độ ẩm và dưỡng chất giúp da mặt khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên việc đắp mặt nạ cũng không nên quá lạm dụng. Thích hợp nhất là mỗi tuần nên đắp mặt nạ 2 lần, mỗi lần không quá 20 phút. Nếu đắp mặt nạ quá nhiều hoặc quá lâu sẽ khiến hiệu quả ngược, da dễ bị khô và nám hơn.
2.4. Tẩy da chết
Mùa thu sẽ khiến da khô và dày sừng nhanh hơn. Tẩy tế bào da chết mỗi tuần 2 lần nhằm giúp dễ dàng lấy đi lớp sừng, hỗ trợ tái tạo làn da mới mịn đẹp. Tẩy da chết cũng là bước giúp hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông cũng như cải thiện tình trạng da thâm sạm...
2.5. Uống nước đầy đủ
Hằng ngày cần bổ sung đủ 2-2,5 lít nước. Nên chia đều lượng nước trong cả ngày, không nên đợi đến khi cảm thấy khát nước mới uống một cốc lớn. Lượng nước này bao gồm tổng các loại nước, gồm nước lọc, nước canh, trà, nước ép trái cây...
Ngoài việc uống đủ nước, cần bổ sung các loại quả tươi để bổ sung vitamin cần thiết có lợi cho da.