Mất năng lượng và bị kiệt sức là tình trạng xảy ra rất phổ biến, đặc biệt ở tuổi trung niên. Những cách sau đây sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng hiệu quả, một số thậm chí còn làm chậm quá trình lão hóa.
1. Xác định các vấn đề liên quan đến bệnh lý
Bị kiệt sức là biểu hiện của nhiều bệnh lý phổ biến, bao gồm tiểu đường, bệnh tim, viêm khớp, thiếu máu, bệnh tuyến giáp hoặc chứng ngưng thở khi ngủ. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy bị kiệt sức một cách bất thường.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc có thể là nguyên nhân góp phần gây ra mệt mỏi, bao gồm một số thuốc huyết áp, thuốc kháng sinh histamine, thuốc lợi tiểu và các loại thuốc khác. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy mất năng lượng sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới, hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ để được đổi sang một phác đồ điều trị khác.
2. Vận động cơ thể để hận chế bị kiệt sức
Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất giúp lấy lại năng lượng.
Tập thể dục đều đặn có liên quan đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể. Các bài tập luyện vừa phải giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của tim, phổi và cơ bắp.
3. Tập yoga
Mặc dù hầu hết các bài tập vận động đều tốt cho tình trạng bị kiệt sức, nhưng yoga sẽ đặc biệt hiệu quả để lấy lại năng lượng bị mất. Tham gia các lớp yoga hàng tuần, liên tục trong nhiều tuần sẽ giúp trí óc minh mẫn, mang lại năng lượng, hạnh phúc và sự tự tin.
4. Uống nhiều nước
Mất nước làm tiêu hao năng lượng và làm giảm hiệu suất công việc, đặc biệt với những người vận động ở cường độ cao như vận động viên cử tạ. Uống không đủ khiến bạn mau chóng bị kiệt sức, làm giảm sự tỉnh táo và tập trung, ngay cả khi bạn chỉ làm việc nhà.
Khi cơ thể được bổ sung đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc màu vàng rơm. Nếu màu nước tiểu sẫm hơn bình thường, bạn cần uống nước càng sớm càng tốt.
5. Đi ngủ sớm
Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mệt mỏi vào ban ngày. Bạn nên tranh thủ giải quyết mọi việc và đi ngủ đủ sớm để có một giấc ngủ trọn vẹn vào ban đêm.
Những người thường xuyên ngủ đủ giấc sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe rõ rệt. Họ trở nên hoạt bát hơn và ít mệt mỏi hơn khi làm việc. Nghiên cứu cho thấy việc đi ngủ sớm sẽ giúp bạn sống thoải mái và có mức tuổi thọ trung bình cao hơn.
Nếu có thể, bạn nên chợp mắt một chút vào buổi trưa. Ngủ trưa giúp phục hồi sự tỉnh táo, thúc đẩy hiệu suất làm việc, học tập và ngăn ngừa tình trạng bị kiệt sức. Thông thường, một giấc ngủ ngắn tầm 10 phút là đủ để lấy lại năng lượng. Tuy nhiên, ngủ trưa quá 30 phút sẽ dễ khiến bạn khó ngủ vào đêm.
6. Bổ sung omega-3
Không chỉ tốt cho hệ tim mạch, dầu cá omega-3 cũng giúp bạn tăng cường sự tỉnh táo. Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đủ lượng axit béo omega 3 ở cả trẻ em và người lớn có tác dụng kéo dài giấc ngủ và tăng chất lượng giấc ngủ.
7. Tận dụng đồng hồ sinh học của bản thân
Một số người cảm thấy tràn đầy năng lượng vào buổi sáng. Ngược lại, số khác lại cảm thấy mất năng lượng vào đầu ngày và đạt được tinh thần tốt nhất vào cuối ngày.
Những khác biệt mang tính cá nhân trong mô hình năng lượng hàng ngày này được xác định bởi cấu trúc não và di truyền, vì vậy chúng hầu như không thể thay đổi. Thay vào đó, bạn hãy nhận thức về đồng hồ sinh học của riêng mình. Sau đó, bạn lên lịch để thực hiện các hoạt động đòi hỏi mức năng lượng cao vào thời điểm mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ bị kiệt sức trong lúc làm những việc quan trọng.
8. Giảm cân giúp lấy lại năng lượng
Giảm trọng lượng cơ thể có thể giúp tăng cường năng lượng. Ngay cả khi giảm một lượng nhỏ chất béo trong cơ thể cũng có tác dụng cải thiện tâm trạng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Để thực hiện giảm cân an toàn và hiệu quả, bạn nên cắt giảm khẩu phần hợp lý, ăn đủ dinh dưỡng cần thiết và tăng cường hoạt động thể chất.
9. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp bạn tránh bị kiệt sức
Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày giúp ổn định lượng đường trong máu của bạn và ngăn ngừa tình trạng mất năng lượng.
Ưu tiên dùng ngũ cốc nguyên hạt và các loại carbohydrate phức hợp khác. Các thực phẩm này cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa so với carbohydrate tinh chế, từ đó ngăn ngừa sự dao động của đường huyết. Tuy nhiên, khi bắt đầu dùng nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, bạn cần chú ý khẩu phần ăn để tránh tăng cân ngoài ý muốn.
Ngoài việc thực hiện những cách trên, để đảm bảo sức khỏe bản thân và tránh bị kiệt sức vì công việc, bạn cũng cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn. Việc khám sức khỏe tổng quát sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp.