Trong cuộc đời phụ nữ có 5 thời điểm dễ tăng cân, nếu muốn kiểm soát cân nặng trong giai đoạn này thì cần nỗ lực rất nhiều.
Đã có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao một số người giảm cân rất nhanh nhưng số khác thì lại không được may mắn như vậy? Hoặc có bao giờ bạn cảm thấy dù bản thân đã bỏ nhiều công sức nhưng kết quả giảm cân vẫn không đạt được như mong đợi?
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân hình thành nên sự khác biệt này có thể đến từ chế độ ăn kiêng còn nhiều chất béo, vận động thể thao không hợp lý hoặc do cơ địa bẩm sinh khó giảm cân... Ngoài các nguyên nhân trên, phụ nữ khó cải thiện vóc dáng còn do chọn sai thời điểm giảm cân.
Thực tế, trong cuộc đời phụ nữ có 5 thời điểm dễ tăng cân, nếu muốn kiểm soát cân nặng trong giai đoạn này thì cần nỗ lực rất nhiều.
5 giai đoạn dễ tăng cân trong cuộc đời phụ nữ
1. Trong độ tuổi dậy thì
Thông thường, độ tuổi dậy thì của bé gái là khoảng 8-12 tuổi, với dấu hiệu đầu tiên là hình thành kinh nguyệt. Thời điểm này, chị em sẽ thấy những thay đổi bất thường của cơ thể như ngực phát triển, chiều cao và cân nặng tăng vọt, mọc lông mu và lông nách, nổi mụn trứng cá… Những thay đổi này là do cơ thể đã tăng cường sản xuất estrogen, progesterone và hormone kích thích sự thèm ăn. Quá trình này cũng gây tác dụng phụ là khiến cân nặng tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, các bé gái trong độ tuổi dậy thì có xu hướng lười vận động hơn so với các lứa tuổi khác, điều này dẫn đến tình trạng dư thừa calo và béo phì. Cần lưu ý rằng những thay đổi tâm sinh lý xung quanh tuổi dậy thì, kết hợp với vẻ ngoài kém hoàn thiện có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Do đó, cha mẹ cần sát sao trong vấn đề cân nặng của con bao gồm lựa chọn cho trẻ phương pháp tập luyện và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
2. Khi vừa tốt nghiệp đại học
Thời điểm vừa tốt nghiệp đại học và chuẩn bị đi làm, chúng ta có xu hướng ít vận động và không quan tâm đến việc chăm sóc cơ thể đúng cách. Lười vận động, stress kéo dài, ăn uống không lành mạnh, thức đêm để làm việc… đều là những thói quen xấu mà người trẻ thường có khi mới ra trường. Đây cũng chính “thủ phạm” thúc đẩy dư thừa calo và hiện tượng béo phì của phụ nữ.
3. Kết hôn và mang thai
Trong giai đoạn hẹn hò, phụ nữ thường có áp lực về việc phải giữ gìn hình ảnh và vóc dáng để thu hút đối phương, tuy nhiên áp lực này sẽ giảm đi đáng kể khi họ kết hôn. Ở giai đoạn vợ chồng son, tâm lý của chị em thoải mái, do đó nhu cầu ăn uống cũng được cải thiện nên khả năng tăng cân cũng cao hơn.
Bước vào giai đoạn thai kỳ, phụ nữ liên tục phải bổ sung nhiều thực phẩm để có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì của mẹ bầu.
Sau khi sinh, cơ thể vẫn chưa được phục hồi, cùng với việc bận rộn khi chăm con nên nhiều chị em không có cơ hội để tập luyện thể dục. Nếu năng lượng được cung cấp bị dư thừa thì sẽ tích lũy trong cơ thể, sau đó biến đổi thành mỡ thừa.
4. Sau tuổi 35
Những phụ nữ bước vào tuổi 35 được khuyến cáo nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát cân nặng. Bởi lẽ lúc này quá trình trao đổi chất diễn ra chậm, chức năng của các cơ quan suy giảm nên rất dễ bị dư thừa calo và tích lũy mỡ thừa ở nhiều vùng trên cơ thể.
5. Giai đoạn mãn kinh
Trong độ tuổi mãn kinh (45-55 tuổi), do sức khỏe suy giảm nên phụ nữ có xu hướng lười vận động hơn so với khi còn trẻ. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng và gây mất khối lượng cơ bắp. Ngoài ra, nồng độ estrogen trong cơ thể sụt giảm cũng có thể làm bạn dễ tăng cân và hình thành nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Phụ nữ cần làm gì để duy trì vóc dáng thon gọn, sức khỏe ổn định?
- Uống đủ nước: Thói quen uống đủ nước có lợi cho việc giảm cân và làm đẹp da. Trung bình, cứ 0,5 lít nước nạp vào cơ thể sẽ làm tăng lượng calo mà bạn đốt cháy lên 24%-30% trong một giờ. Trước mỗi bữa ăn, bạn nên uống một ly nước để giảm cảm giác thèm ăn và thúc đẩy quá trình đốt cháy calo.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Bạn nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt, nước ngọt, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ… vì chúng đều giàu calo và dễ gây tăng cân.
- Tập luyện thể thao: Vận động thể chất có tác dụng tăng cường sự trao đổi chất và đốt cháy calo. Ngoài ra, hoạt động này còn cải thiện sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa các bệnh ở người cao tuổi.