Quá trình trao đổi chất của cơ thể con người sinh ra những chất có hại cho cơ thể gọi là "chất độc", có quá nhiều chất độc trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Cũng giống như rác thải sinh hoạt cần được dọn dẹp kịp thời, "rác thải" sinh ra trong cơ thể con người không thể để tích tụ quá nhiều. Có 5 loại "độc tố ngấm ngầm" trong cơ thể mỗi người cần phải loại bỏ:
1. Khí độc
Ngộ độc khí có thể bắt nguồn từ "ngoại sinh" hoặc "nội sinh". Ngoại sinh là đến từ không khí ô nhiễm mà chúng ta hít thở, mỗi ngày một người hít vào phổi hơn 1.000 lít không khí, trong đó có rất nhiều chất độc hại như vi khuẩn, virus, bụi bẩn cũng sẽ xâm nhập vào cơ thể. Nội sinh là các loại khí thải như carbon dioxide do bản thân con người sinh ra từ những hoạt động vận hành trong cơ thể.
Trung y cho rằng, tích tụ khí độc trong người sẽ khiến chức năng phổi và thận kém. Cơ thể dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phổi, thậm chí là ung thư phổi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể nặng, chẳng hạn như hơi thở và mồ hôi có mùi.
Để thanh lọc khí độc, có thể áp dụng phương pháp thở sâu giúp làm sạch phổi: Hít vào không khí trong bằng miệng và thở ra bằng miệng thật sâu. Kết hợp với tập thể dục nhẹ nhàng, ở nơi có môi trường trong lành hoặc vào sáng sớm sẽ giúp cơ thể được thanh lọc tốt hơn.
Ngoài ra, nên ăn thêm các loại thực phẩm, trái cây có tác dụng bổ phổi như lê và hoa hòe.
2. Mồ hôi
Các lỗ chân lông nhỏ li ti của cơ thể con người cũng ẩn chứa rất nhiều "rác thải" chuyển hóa là mồ hôi. Tuy nhiên, nếu mồ hôi không được thải ra ngoài thuận lợi mà tích tụ lại trong cơ thể sẽ trở thành một loại chất độc. Tích tụ lâu ngày có thể gây ra đau khớp, thấp khớp, các bệnh về hệ thống trao đổi chất...
Bạn không cần phải đổ mồ hôi nhiều mỗi ngày, nhưng nếu ngay cả khi tập thể dục, chẳng hạn như bơi lội, chạy… mà cũng không ra mồ hôi thì bạn cần đi kiểm tra sức khỏe.
Ăn cháo nóng, trà nóng, súp nóng cũng có thể thúc đẩy bài tiết mồ hôi, bạn cũng có thể ăn đồ cay để giúp cơ thể tiết mồ hôi. Ngoài ra, nhắc nhở mọi người rằng thời tiết càng nóng càng dễ tích tụ mồ hôi độc, cần đặc biệt chú ý đảm bảo lượng mồ hôi. Vào mùa hè, bạn có thể lau người bằng khăn nóng, tắm bằng nước nóng, uống nước gừng và đường nâu để giúp giải độc.
3. Tích tụ phân dẫn đến táo bón
Các nhà khoa học đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng phân có thể chứa hơn 60% chất độc trong cơ thể con người. Nếu không được đào thải kịp thời có thể gây viêm ruột, thậm chí ung thư ruột.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng là "nhiệm vụ" của kinh mạch ruột già, nếu bạn đại tiện vào thời điểm này hiệu quả sẽ tốt nhất, giúp cơ thể nhẹ nhàng, não bộ thoải mái cả ngày. Nếu để thời gian đại tiện càng muộn, chất độc sẽ tích tụ càng nhiều. Vì vậy, hàng ngày nên dậy sớm, uống một cốc nước khi bụng đói và hình thành thói quen đi đại tiện vào buổi sáng.
Nếu bạn bị táo bón, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như bột yến mạch, bánh mì nguyên cám… Ngoài ra, mật ong, chuối, táo, khoai tây… đều có tác dụng giảm táo bón.
4. Sự tích tụ của urê huyết có thể là do chức năng thận bị kém
Hầu hết các chất độc trong cơ thể con người đều phải giải độc qua gan và thận. Thận là cơ quan giải độc quan trọng nhất trong cơ thể con người, nó có thể lọc các chất độc trong máu và đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Sự tích tụ của urê huyết có thể là do chức năng thận bị kém, hoặc uống quá ít nước, hoặc ăn quá nhiều chất độc.
Điều này có thể dẫn tới các biểu hiện như chóng mặt, tiểu khó, tích tụ lâu ngày sẽ gây viêm hệ tiết niệu, bệnh gút và dị ứng da.
Từ 17h đến 19h trước khi ăn tối, uống một cốc nước khi bụng đói. Lúc này kinh mạch của thận đang "túc trực", một cốc nước có thể giúp vận động can khí của thận, giúp làm sạch thận và bàng quang, ngăn ngừa sỏi hệ tiết niệu. Hàng ngày, bạn nên ăn ít thức ăn chứa nhiều chất phụ gia, đảm bảo uống đủ nước hàng ngày, ăn nhiều trái cây và rau xanh.
5. Đờm độc
Buổi sáng ngủ dậy, nhiều người luôn cảm thấy cổ họng có đờm, thậm chí nặng hơn là ho có đờm cả ngày. Đây là tình trạng tích tụ "đờm độc" thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống không hợp lý, chức năng phổi kém hoặc do hút thuốc lá thường xuyên. Đờm đặc thường gây ngứa họng, ho, khó thở, khó nuốt, buồn nôn, ù tai...
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn có thể ăn nhiều các loại thực phẩm thanh nhiệt, giảm đờm như củ cải, hoa hòe, hạnh nhân, nấm trắng, lê... Chú ý làm ẩm không khí và uống nhiều nước là những cách làm tan đờm hiệu quả.