Thay đổi ngay những kiểu dùng đèn sưởi này nếu không, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào mùa đông này nhé!
Dùng đèn sưởi vào mùa đông là nhu cầu của hầu hết các gia đình. Đèn sưởi giúp bạn đỡ lười biếng khi phải ở trong nhà vệ sinh, khi tắm táp cũng như sinh hoạt cá nhân khác. Thế nhưng, phạm phải 5 sai lầm khi dùng đèn sưởi vào mùa đông dưới đây có thể khiến bạn gặp họa đáng tiếc:
1. Lắp đèn sưởi quá thấp
Những loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại như quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi dùng dây may so trực tiếp... là những loại luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao. Việc đặt chúng quá gần vị trí tắm dẫn đến nguy cơ cháy đèn càng cao hơn. Do đó, khi lắp đèn sưởi cần căn chỉnh vị trí lắp cho hợp lý nhất.
Giải pháp: Đặt chúng ở xa ít nhất khoảng 1 – 2 mét tùy từng loại bằng các vít nở và các thanh nẹp đi kèm. Nên lắp ở vị trí sao cho khi tắm ánh sáng của đèn sưởi có thể chiếu thẳng vào cơ thể bạn. Chú ý chọn loại đèn sưởi phù hợp với diện tích phòng tắm nhà bạn. Lắp tấm bảo vệ đèn và kiểm tra dây điện tránh rò rỉ, chập mạch.
2. Để đèn sưởi tiếp xúc với nước
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi (nguyên giảng viên khoa Nhiệt điện, Viện Khoa Học Và Công Nghệ Nhiệt-Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội), vào mùa đông, nhất là khi trời chuyển rét đậm, nhiều gia đình rục rịch lắp đèn sưởi trong nhà tắm để tắm rửa, vệ sinh cá nhân sao cho ấm áp.
Tuy nhiên, nhà tắm vốn là nơi ẩm ướt, chỉ cần tiếp xúc với dây điện bị hở, bị chuột hay gián cắn là có thể gây nguy cơ điện giật cho người dùng rất nguy hiểm. Đây là lưu ý đầu tiên ai cũng cần nắm rõ trước khi dùng đèn sưởi nhà tắm.
Ngoài ra, dù được thiết kế để chống nước nhưng tốt nhất để đèn sưởi nhà tắm của bạn hoạt động tốt, có tuổi thọ lâu, chuyên gia khuyến cáo không nên để nước tiếp xúc với đèn trong quá trình tắm sẽ giảm khả năng tỏa nhiệt của bóng đèn.
Giải pháp: Khi lắp đèn sưởi nhà tắm nên duy trì khoảng cách an toàn từ 1,8-2m tính từ vị trí nền nhà đến đèn sưởi, cao hơn vòi hoa sen (nếu có) để hạn chế tiếp xúc với nước, đồng thời giúp đèn tạo hơi ấm thoải mái và đảm bảo an toàn với người dùng. Ngoài ra phải lắp tấm bảo vệ đèn và kiểm tra dây điện tránh rò rỉ, chập mạch.
3. Dùng đèn sưởi quá lâu
Theo chuyên gia, trong thực tế đã ghi nhận không ít các trường hợp bị bỏng nặng do dùng đèn sưởi nhà tắm quá lâu. Điều này được lý giải bởi các loại máy sưởi nói chung luôn luôn tiềm tàng nguy cơ gây cháy cao. Nhất là khi đặt trong phòng tắm, máy sưởi được bật lên sưởi ấm, gặp nước dính vào rất dễ cháy nổ, gây nguy hiểm cho người dùng.
Giải pháp: Không dùng máy sưởi nhà tắm liên tục kéo dài để tránh cháy nổ. Khi dùng xong phải tắt ngay.
4. Làn da xuống cấp khi dùng đèn sưởi
Vào những ngày đông hanh khô, làn da chúng ta đều dễ dàng bị khô ráp, bong tróc. Việc sử dụng đèn sưởi khi tắm rửa giúp tránh cảm lạnh, cảm cúm... vào mùa đông nhưng lúc này lại có thể khiến tình trạng da khô thêm nặng nề.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, đèn sưởi cũng như các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại nói chung là những sản phẩm có thể gây khô da, làm da nứt nẻ, khó chịu hơn vào mùa đông vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da.
Giải pháp: Không dùng đèn sưởi quá lâu, chỉ dùng mỗi lần dưới 45 phút. Nên tắm nước ấm vừa phải. Có thể tắt bớt đèn khi sưởi ấm, không cần thiết bật hết đèn lên. Sau khi tắm xong nên bôi kem dưỡng ẩm để phòng bệnh da mùa đông.
5. Không kiểm tra thường xuyên và vệ sinh định kỳ đèn sưởi để tránh nguy hiểm
Chuyên gia khuyến cáo, đèn sưởi nhà tắm muốn đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị điện giật, cháy nổ không đáng có, việc thường xuyên kiểm tra xem có bị hỏng hóc hay không, vệ sinh định kỳ hàng năm đóng vai trò rất quan trọng.
Giải pháp:
- Định kỳ kiểm tra lại dây điện của đèn sưởi xem có bị hở, bị đứt hay không, nếu có thì nên gọi người sửa lại hay thay dây mới.
- Vệ sinh đèn sưởi tối thiểu 2 lần/năm vào thời điểm trước mùa lạnh lúc bắt đầu dùng đèn và sau mùa lạnh khi không dùng nữa để làm sạch bụi bẩn bám trên bóng đèn, giúp kéo dài tuổi thọ của bóng đèn sưởi.