Các căn bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, cao huyết áp, viêm gan đều có tỉ lệ tử vong cao vì thế người đang ở độ tuổi 46-55 cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.
Trong độ tuổi từ 46 đến 55 tuổi được Tổ chức Y tế Thế giới WHO phân loại là độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh mãn tính cao. Các căn bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, cao huyết áp, viêm gan đều có tỉ lệ tử vong cao vì thế người đang ở độ tuổi này cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.
Có thể thấy giai đoạn 10 năm từ 46-55 tuổi là "giai đoạn sinh tử" trong cuộc đời, các chuyên gia sức khỏe cho rằng bất luận nam nữ, miễn ở trong độ tuổi này đều cần nhớ: 2 siêng năng - 3 lười biếng để cơ thể khỏe mạnh hơn.
2 việc cần chăm hơn, 3 việc phải lười bớt để kéo dài tuổi thọ
2 việc cần chăm chỉ hơn đó là
1. Chăm chỉ đi ngủ sớm
Ngày nay, không chỉ giới trẻ thích thức khuya mà nhiều người trung niên, cao tuổi cũng thường xuyên sử dụng điện thoại, xem tivi đến tận tối muộn. Cho dù là nam hay nữ, việc thức khuya trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn gây suy giảm trí nhớ, rối loạn thần kinh. Ngoài ra, phụ nữ thường xuyên thức khuya còn dễ bị rối loạn nội tiết, gây nổi mụn, gây rối loạn kinh nguyệt, khiến da nhăn nheo hơn, già nua hơn.
Tốt nhất, người sau 45 tuổi nên giữ thói quen ngủ sớm. Có thể đi ngủ lúc 10h và thức dậy vào lúc 6h sáng.
2. Chăm chỉ uống nước lọc
"Liều thuốc quý" của người sau 45 tuổi không phải thứ gì quá cao siêu mà chính là cốc nước lọc. Uống đủ nước giúp cơ thể tăng năng lượng và chức năng não, điều hòa nhiệt độ cơ thể, giúp giảm táo bón, thải trừ các chất thải, chất độc, hỗ trợ tiêu hóa và cuối cùng có tác dụng phòng ngừa các bệnh mãn tính.
Mỗi người cần phải uống đủ 2000ml nước mỗi ngày. Ngược lại, nếu bạn ít uống nước, cơ thể bạn sẽ ở trong tình trạng mất nước trong một thời gian dài, khiến các độc tố trong cơ thể không dễ dàng thải ra khỏi cơ thể. Đồng thời, tốc độ oxy hóa tế bào sẽ nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình lão hóa và ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta.
Thời điểm uống nước tốt nhất trong ngày mà người sau tuổi 45 nên duy trì đó là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Theo bác sĩ Alex Maliekal (Bệnh viện St. Vincent Kuravilangad (Ấn Độ), uống nước sau khi thức dậy sẽ làm sạch hệ thống đường ruột và tăng cường hoạt động trao đổi chất, tăng cường hệ miễn dịch, chống hôi miệng và tăng cường trí não...
Có câu nói "nước là nguồn gốc của sự sống", do đó càng nhiều tuổi bạn càng phải chủ động uống đủ nước mỗi ngày để duy trì tuổi thọ.
3 việc phải lười bớt đó là
1. Lười bật dậy vào buổi sáng: Cố gắng nằm thêm 3 phút trước khi dậy
Vào mùa đông, cũng là thời điểm các ca cấp cứu tim mạch, mạch máu não tăng cao, tỷ lệ đột quỵ vào sáng sớm cũng tương đối lớn. Nguyên nhân là bởi cơ thể vừa trải qua một giấc ngủ dài, cơ thể chưa hoàn toàn tỉnh táo nên việc dậy quá nhanh vào sáng sớm có thể khiến tim, não bị tổn thương. Ngoài ra việc ra khỏi chăn quá nhanh vào ngày lạnh cũng có thể gây ra hiện tượng sốc nhiệt.
Theo ông Sun Ningling, bác sĩ trưởng khoa Tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh khuyến cáo: Người trung niên và người cao tuổi bị huyết áp cao, bệnh tim mạch không nên vội vàng rời khỏi giường vào buổi sáng để tránh đột quỵ. Thay vào đó, họ nên nhắm mắt và nghỉ ngơi trên giường trong 3 phút trước khi ngồi dậy, ngồi trên giường thêm 3 phút nữa rồi mới bước chân ra khỏi giường.
2. Lười ăn mặn: Ăn đồ nhạt hơn
Chế độ ăn nhiều muối không chỉ liên quan đến huyết áp cao mà còn gây bệnh tim mạch. Với phụ nữ, muối còn là thủ phạm phá hủy collagen trong da - khiến da chảy xệ, già nua. Ngược lại, nhờ thực hiện chế độ ăn ít muối mà người dân ở tỉnh Nagano, Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của nam giới đã tăng 3 năm trong 10 năm và tuổi thọ trung bình của phụ nữ tăng 3,5.
Muốn tăng tuổi thọ thì người sau 45 tuổi nên cố gắng ăn nhạt.
3. Lười ăn đêm
Càng nhiều tuổi con người càng có xu hướng thích tẩm bổ và ăn nhiều hơn, đặc biệt là rất thích ăn đêm. Nếu bạn duy trì thói quen này trong thời gian dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cân nặng của bạn.
Một cuộc điều tra năm 2015 thực hiện bởi hai nhà tâm lý học người Canada cho thấy những người ăn đêm sẽ có giấc ngủ bị quấy rầy nhiều hơn. Ngoài ra, ăn đêm cũng được chứng minh có thể gây ra tình trạng tiêu hóa kém, ảnh hưởng đến nhịp sinh học và từ đó gây tăng cân, tăng huyết áp, sức khỏe tâm thần kém...